Tra cứu nhãn hiệu

Tra cứu nhãn hiệu là quá trình tìm kiếm các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự và có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của bạn dựa vào các tiêu chí về cấu tạo, nội dung, hình thức, màu sắc, ý nghĩa, cách phát âm; việc tìm kiếm này được thực hiện trong phạm vi các nhãn hiệu đã được công bố, đăng ký tại quốc gia bạn muốn yêu cầu bảo hộ và trong phạm vi các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu của bạn.

Để giúp bạn dễ hình dung, mình ví dụ bạn đang có ý định đăng ký nhãn hiệu "CAT" cho sản phẩm son môi thì dấu hiệu trùng với nó là "CAT", nhãn hiệu tương tự về ý nghĩa với nó là "CON MÈO", nhãn hiệu tương tự với nó về cách phát âm là "KAT", nhãn hiệu tương tự về cấu tạo với nó là "CATS", và các dấu hiệu này được sử dụng cho sản phẩm cùng loại là son môi hoặc các sản phẩm tương tự như phấn trang điểm, mỹ phẩm…

Khi nào cần tiến hành tra cứu nhãn hiệu, đó là trước khi bạn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vì nguyên tắc nhãn hiệu nào nộp trước sẽ được ưu tiên, nghĩa là nếu có nhiều nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhau cùng nộp đơn đăng ký thì nhãn hiệu nào được nộp đầu tiên (tính theo ngày) sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và trở thành đối chứng cho tất cả các nhãn hiệu nộp sau nó, nghĩa là có khả năng bị từ chối bởi nó.

Ai có thể tra cứu nhãn hiệu, câu trả lời là bất kỳ ai kể cả bạn, nhưng đòi hỏi bạn phải sử dụng thành thạo công cụ tra cứu do Cục sở hữu trí tuệ quản lý, phải hiểu thế nào là tương tự về nhãn hiệu, tương tự về sản phẩm, dịch vụ để từ đó có thể đánh giá mức độ đăng ký thành công trong vô số các nhãn hiệu đã được nộp trước đó; nên lời khuyên của mình là bạn có thể tự tra cứu nhãn hiệu nhưng sau đó nên nhờ một chuyên gia về nhãn hiệu hỗ trợ bạn.

Như trình bày ở trên, tra cứu nhãn hiệu là việc tìm kiếm thông tin nhưng không đơn giản như bạn search google mỗi ngày, đòi hỏi bạn phải có kiến thức về pháp luật và kinh nghiệm thực tế, nó được thực hiện trước khi bạn nộp đơn đăng ký để tìm hiểu xem có nhãn hiệu nào đã được nộp đơn đăng ký trước đó mà trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của bạn không, nếu có thì bạn nên thay đổi nhãn hiệu, nếu không bạn có thể xâm phạm quyền nhãn hiệu của người khác.