Đăng ký nhãn hiệu
Đăng ký nhãn hiệu là việc cá nhân, tổ chức kinh doanh (người bán) yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp (Cục sở hữu trí tuệ) xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ do mình đưa ra thị trường, trong đó người yêu cầu phải là người có sản phẩm, dịch vụ do mình tự sản xuất, cung cấp hoặc mua đi bán lại, cơ quan tiếp nhận yêu cầu là Cục sở hữu trí tuệ, đối tượng được yêu cầu là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Vậy đăng ký nhãn hiệu để làm gì, chính là để bảo vệ nhãn hiệu dùng cho sản phẩm, dịch vụ của người bán, ví dụ nhãn hiệu "seamaster" dùng cho sản phẩm "sơn", ngăn chặn người khác sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người bán vì nếu nhãn hiệu và các dấu hiệu này cùng tồn tại sẽ làm cho người mua nhầm lẫn các sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu và dấu hiệu tương tự là của cùng một người bán, ví dụ những dấu hiệu tương tự mà người kinh doanh sơn khác có thể sử dụng là "seamaste", "sea-master" gây cho người mua nhầm lẫn rằng các sản phẩm sơn mang chúng cùng một chủ với "seamaster".
Để đạt được mục đích trên, người bán phải nộp đơn đăng ký cho nhãn hiệu do mình tự nghĩ ra, ví dụ "toplaw", cho sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp, ví dụ "tư vấn pháp luật"; dựa vào dó Cục sở hữu trí tuệ sẽ xem xét bằng cách thẩm định nhãn hiệu có đáp ứng các điều kiện bảo hộ không, nếu đáp ứng sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong đó thể hiệu thông tin chủ sở hữu là người bán, phạm vi bảo hộ là mẫu nhãn hiệu (seamaster) cùng danh mục sản phẩm dịch vụ (sơn).
Thông thường, đăng ký nhãn hiệu gồm các công đoạn: chuẩn bị đơn đăng ký > nộp đơn đăng ký > thẩm định hình thức đơn đăng ký > công bố đơn đăng ký > thẩm định nội dung đơn đăng ký > nộp phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận > nhận giấy chứng nhận; tuy nhiên, vì có quá nhiều người bán nên có quá nhiều đơn đăng ký và dẫn đến có quá nhiều nhãn hiệu tương tự nhau làm phát sinh thêm nhiều công đoạn khác, như "dự định từ chối cấp giấy chứng nhận", "đưa ra ý kiến đối với dự định từ chối cấp giấy chứng nhận", "người thứ ba yêu cầu không cấp giấy chứng nhận"… và để không bị kéo dài thời gian thì mình khuyên bạn nên tiến hành tra cứu nhãn hiệu trước khi nộp đơn đăng ký nhé.