Duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế là cụm từ gọi tắt của hoạt động duy trì hiệu lực bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Đây là thủ tục được thực hiện hàng năm nhằm duy trì tình trạng bảo hộ trong thời gian bảo hộ luật định. Theo đó, chủ sở hữu cần chuẩn bị hồ sơ, nộp lệ phí duy trì hiệu lực và thực hiện theo quy trình mà pháp luật quy định. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc một số thông tin về duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế.
1. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ sáng chế
Sáng chế là một sản phẩm được sáng tạo ra nhằm thực hiện một công việc nhất định hoặc là quy trình kỹ thuật nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể. Chủ sở hữu đăng ký bảo hộ sẽ được Nhà nước cấp văn bằng bảo hộ sáng chế là Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Cũng giống như những văn bằng bảo hộ khác, văn bằng bảo hộ sáng chế được pháp luật quy định về hiệu lực.

Chủ sở hữu văn bằng cần duy trì hiệu lực sáng chế mỗi năm
Hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế là thời gian pháp luật quy định bảo hộ cho mỗi sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện nhất định. Theo đó, Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: "Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn".
Văn bằng bảo hộ sáng chế không được gia hạn, có nghĩa là thời hạn bảo hộ nêu trên cũng là thời gian tối đa mà một sáng chế được pháp luật công nhận và bảo hộ độc quyền. Tuy vậy, hiệu lực bảo hộ của các văn bằng này cần phải được duy trì hằng năm. Hình thức duy trì được thực hiện thông qua việc nộp hồ sơ và đóng lệ phí duy trì hiệu lực đến Cục Sở hữu trí tuệ trong thời gian quy định.
2. Cần thực hiện thủ tục duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế lúc nào?
Một sự thật đáng tiếc là các văn bằng bảo hộ sáng chế ở Việt Nam, gồm Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, thường bị chấm dứt hiệu lực sớm hơn so với thời hạn hiệu lực mà nó được bảo hộ. Lý do phổ biến nhất là chủ sở hữu đã không kịp thời tiến hành thủ tục duy trì hiệu lực sáng chế cho năm tiếp theo năm hết hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Thời gian thực hiện thủ tục duy trì hiệu lực được pháp luật quy định
Theo quy định tại khoản 19 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ cần thực hiện trong vòng 06 tháng tính đến ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực. Thủ tục duy trì hiệu lực có thể được thực hiện muộn hơn thời hạn quy định trên đây, nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực trước và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp thêm 10% lệ phí duy trì hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn.
3. Quy trình duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế
Quy trình duy trì hiệu lực sáng chế không quá phức tạp, tuy nhiên hoạt động này vẫn cần đáp ứng trình tự thủ tục mà Luật Sở hữu trí tuệ quy định.
3.1. Hồ sơ duy trì hiệu lực sáng chế
Để được duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích, chủ văn bằng bảo hộ cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ:
- Tờ khai duy trì hiệu lực sáng chế;
- Giấy ủy quyền hợp lệ (trường hợp yêu cầu nộp thông qua đại diện Sở hữu công nghiệp như Trường Luật);
- Phí thẩm định yêu cầu duy trì hiệu lực, lệ phí duy trì hiệu lực và phí sử dụng văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố thông báo;
- Các tài liệu khác (nếu có).
Sau khi chuẩn bị được hồ sơ hoàn chỉnh, chủ sở hữu văn bằng nộp lên Cục Sở hữu trí tuệ và chờ đợi Cục thẩm định. Đặc biệt, chủ sở hữu sẽ cần đóng thêm 10% lệ phí duy trì hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn. Vì vậy, thời điểm cần chú ý để nộp hồ sơ duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế cũng là nội dung cần chú ý.
3.2. Thẩm định hồ sơ duy trì hiệu lực sáng chế
Thời gian để Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định hồ sơ duy trì hiệu lực sáng chế là 01 tháng kể từ ngày Cục tiếp nhận hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục sẽ tiến hành ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế, và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục sẽ ra thông báo yêu cầu chủ văn bằng hoặc bên đại diện (trường hợp nộp hồ sơ duy trì hiệu lực sáng chế thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp như Trường Luật) sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đưa ra ý kiến phản đối. Thời gian để sửa đổi, bổ sung hồ sơ là 02 tháng, hết thời hạn này nếu chủ văn bằng/bên đại diện không có ý kiến phản hồi, Cục sẽ ra quyết định từ chối duy trì hiệu lực bằng độc quyền sáng chế này.

Chủ sở hữu văn bằng cần chú ý đến thời hạn hết hiệu lực văn bằng bảo hộ
4. Lợi ích của việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế
Việc duy trì hiệu lực sáng chế mang lại rất nhiều lợi ích cho chủ sở hữu văn bằng. Đầu tiên, sau khi thực hiện thủ tục duy trì hiệu lực, bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích sẽ tiếp tục có hiệu lực cho năm tiếp theo trong thời hạn hiệu lực của nó.
Khi bằng độc quyền sáng chế vẫn còn hiệu lực được bảo hộ, chủ sở hữu có thể tiếp tục độc quyền khai thác công dụng của sáng chế, sản xuất sản phẩm hoặc áp dụng độc quyền quy trình kỹ thuật của sáng chế. Ngoài ra, chủ sở hữu văn bằng còn có thể thu lợi nhuận từ việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế trên cơ sở thỏa thuận hợp đồng với bên muốn khai thác, sử dụng sáng chế.
Nói tóm lại, việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế hằng năm là thủ tục bắt buộc nếu chủ sở hữu vẫn mong muốn độc quyền khai thác giá trị từ sáng chế được bảo hộ. Do đó, chủ sở hữu cần chú ý đến khoảng thời gian duy trì hiệu lực và thực hiện thủ tục duy trì hiệu lực sáng chế kịp thời để tránh cho việc bằng độc quyền sáng chế hết hiệu lực không như mong muốn.