Sản phẩm, quy trình mà tác giả sáng tạo ra muốn được bảo hộ dưới dạng sáng chế cần thực hiện thủ tục đăng ký sáng chế. Đây là quá trình nộp đơn yêu cầu Cục sở hữu trí tuệ xem xét cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Pháp luật quy định về trình tự thủ tục đăng ký sáng chế theo những nội dung cơ bản mà bài viết này đề cập dưới đây.
1. Tổng quan về đăng ký sáng chế
Theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành, quyền đối với sáng chế được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Cá nhân, doanh nghiệp muốn được hưởng quyền đối với sáng chế phải tự mình hoặc thông qua đại diện Sở hữu trí tuệ nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ lên Cục Sở hữu trí tuệ. Việc nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ cho sáng chế này được gọi chung là đăng ký sáng chế.
Theo đó, Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ quy định những cá nhân, tổ chức sau đây có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế:
- Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ.

Đăng ký sáng chế là thủ tục bắt buộc để sáng chế được pháp luật bảo hộ
2. Đơn đăng ký sáng chế
Đơn đăng ký sáng chế là tài liệu quan trọng cần thiết để chủ đơn đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế của mình. Nội dung đơn đăng ký sáng chế quyết định đến kết quả quá trình đăng ký bảo hộ sáng chế. Theo đó, đơn đăng ký sáng chế cần đáp ứng những yêu cầu của pháp luật như sau:
Thứ nhất, đơn đăng ký sáng chế (Đơn) phải đáp ứng các yêu cầu chung của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và phải sử dụng đúng các biểu mẫu theo quy định tại Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.
Thứ hai, Đơn phải chỉ rõ đối tượng cần được bảo hộ là sản phẩm hoặc quy trình phù hợp với quy định Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ ba, Đơn phải đảm đảm tính thống nhất quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ và theo các hướng dẫn sau:
- Yêu cầu bảo hộ một đối tượng duy nhất; hoặc
- Yêu cầu bảo hộ một nhóm đối tượng có mối liên hệ kỹ thuật, thể hiện ý đồ sáng tạo chung duy nhất, thuộc các trường hợp sau đây:
+ Một đối tượng dùng để tạo ra (sản xuất, chế tạo, điều chế) đối tượng kia;
+ Một đối tượng dùng để thực hiện đối tượng kia;
+ Một đối tượng dùng để sử dụng đối tượng kia;
+ Các đối tượng thuộc cùng một dạng, có cùng chức năng để bảo đảm thu được cùng một kết quả.

Đơn đăng ký sáng chế cần đáp ứng các điều kiện cụ thể của pháp luật
3. Tóm tắt quy trình đăng ký sáng chế
Hiện nay, quy trình đăng ký sáng chế cũng được quản lý và thực hiện tương tự các đối tượng sở hữu công nghiệp khác. Tuy vậy, với sáng chế, chủ đơn cần có yêu cầu thẩm định nội dung - điểm đặc biệt đối với đơn đăng ký sáng chế.
3.1. Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Hồ sơ đăng ký sáng chế bao gồm các tài liệu sau:
- Tờ khai đăng ký sáng chế;
- Bản mô tả sáng chế bao gồm cả hình vẽ (nếu có);
- Bản tóm tắt sáng chế;
- Yêu cầu bảo hộ sáng chế;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí;
- Giấy uỷ quyền (trường hợp nộp đơn đăng ký sáng chế thông qua Tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp như Trường Luật);
- Các tài liệu khác liên quan (nếu có).
Chủ thể đăng ký có thể nộp hồ sơ đăng ký sáng chế qua bưu điện hoặc nộp đơn trực tiếp tới Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội, Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng, TP HCM.
3.2. Thẩm định hình thức và công bố đơn
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, chuyên viên Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ về mặt hình thức (kiểm tra về thành phần hồ sơ). Sau đó, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo thuộc hai trường hợp sau:
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận đơn đăng ký sáng chế.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn.
3.3. Yêu cầu thẩm định nội dung
Trường hợp đơn đăng ký sáng chế được chấp nhận hợp lệ về hình thức, trong thời hạn 42 tháng kể từ ngày nộp đơn hoặc kể từ ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc bất kỳ người thứ ba nào đều có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thẩm định nội dung đơn với điều kiện phải nộp phí thẩm định nội dung đơn.
Đối với yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì thời hạn này là 36 tháng kể từ ngày nộp đơn hoặc kể từ ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên.

Chủ thể nộp đơn cần yêu cầu thẩm định nội dung cho đơn hợp lệ về hình thức
Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế là bước bắt buộc và quan trọng mà chủ đơn cần chú ý. Trường hợp không có yêu cầu thẩm định nội dung nộp trong thời hạn quy định thì đơn đăng ký sáng chế được coi như đã rút tại thời điểm kết thúc thời hạn đó.
3.4. Thẩm định nội dung và kết quả
Đơn đăng ký sáng chế đã được công nhận là hợp lệ và có yêu cầu thẩm định nội dung nộp theo quy định sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung. Nếu hồ sơ không đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật, đơn đăng ký sáng chế sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Trường hợp hồ sơ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, đối tượng được bảo hộ sẽ được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, và công bố trên Công báo Sở hữu trí tuệ. Lúc này, chủ sở hữu sau khi đóng lệ phí cấp bằng đầy đủ, đúng hạn sẽ được cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Đăng ký sáng chế là một trong những thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ khá phức tạp trong những đối tượng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà pháp luật quy định. Vì vậy, để có thể thực hiện thủ tục đăng ký sáng chế một cách thuận lợi nhất, cá nhân, tổ chức có nhu cầu đăng ký cần tìm hiểu về những nội dung cơ bản của thủ tục này.