Cùng với bản tóm tắt sáng chế, bản mô tả sáng chế là tài liệu không thể thiếu trong đơn đăng ký sáng chế. Bản mô tả sáng chế đóng vai trò quan trọng quyết định đến việc sáng chế có được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ hay không. Tuy vậy, có nhiều người không biết trình bày bản mô tả sáng chế như thế nào cho hợp lý. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tham khảo thêm những thông tin cần thiết về bản mô tả sáng chế nhé!
1. Khái quát về bản mô tả sáng chế
Theo Khoản 1 Điều 102 Luật Sở hữu trí tuệ thì: “Tài liệu xác định sáng chế cần bảo hộ trong đơn đăng ký sáng chế bao gồm bản mô tả sáng chế và bản tóm tắt sáng chế. Bản mô tả sáng chế gồm phần mô tả sáng chế và phạm vi bảo hộ sáng chế”. Theo đó, bản mô tả sáng chế là tài liệu nhằm mô tả bản chất của giải pháp kỹ thuật được đăng ký, bao gồm phần mô tả và phạm vi bảo hộ sáng chế.
Bản mô tả sáng chế phải nêu ra được đầy đủ các thông tin về sáng chế được đăng ký. Theo đó, một người có hiểu biết ở mức trung bình khi đọc bản mô tả được cũng nắm bắt được lĩnh vực kỹ thuật và các yếu tố cơ bản của sáng chế đó.

Bản mô tả sáng chế là tài liệu quan trọng trong đơn đăng ký sáng chế
2. Yêu cầu đối với bản mô tả sáng chế
Pháp luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có những tiêu chí cụ thể để đánh giá một bản mô tả sáng chế. Cụ thể:
- Thứ nhất, bản mô tả sáng chế phải phải bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó.
- Thứ hai, bản mô tả sáng chế cần phải giải thích vắn tắt hình vẽ kèm theo nếu cần làm rõ thêm bản chất của sáng chế.
- Thứ ba, bản mô tả sáng chế cần làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.

Bản mô tả sáng chế cần đáp ứng những yêu cầu cụ thể
Trên thực tế, có không ít người gặp khó khăn khi trình bày bản mô tả sáng chế. Để có thể hoàn thành một bản mô tả sáng chế, đòi hỏi người viết phải có sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của sáng chế, đồng thời nắm rõ các yêu cầu mà pháp luật quy định. Hơn nữa, người viết cần phải có kỹ thuật trình bày bản mô tả cũng như có kinh nghiệm về lĩnh vực (là đối tượng của sáng chế).
3. Các nội dung của bản mô tả sáng chế
Để có thể trình bày bản mô tả sáng chế, người viết cần nắm được cụ thể các thông tin cụ thể mà bản mô tả sáng chế phải nêu ra. Cụ thể, pháp luật quy định rõ bản mô tả cần thể hiện được hai phần là mô tả sáng chế và phạm vi yêu cầu bảo hộ.
3.1. Đối với phần mô tả sáng chế
Phần mô tả sáng chế cần thể hiện được đặc điểm cùng bản chất của sáng chế, thường bao gồm các nội dung sau đây:
- Tên sáng chế;
- Lĩnh vực sử dụng sáng chế;
- Tình trạng kỹ thuật của lĩnh vực sử dụng sáng chế;
- Bản chất kỹ thuật của sáng chế;
- Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có);
- Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế;
- Ví dụ thực hiện sáng chế;
- Những lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được.
Mỗi nội dung trên cần đáp ứng những yêu cầu cụ thể và cách thể hiện theo đúng văn phong của bản mô tả sáng chế để được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận. Ở phần này, người trình bày cần thể hiện một cách chi tiết và đảm bảo rằng các nội dung cần lột tả thiết thực sáng chế được đăng ký.
3.2. Đối với phần phạm vi bảo hộ (yêu cầu bảo hộ) sáng chế
Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Cách trình bày về phạm vi bảo hộ sáng chế được quy định chi tiết tại Thông tư 01/2007/TT-BKHCN. Theo đó, phạm vi bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, đồng thời phù hợp với phần mô tả và hình vẽ.

Phạm vi bảo hộ dùng để xác định phạm vi bảo hộ của sáng chế về mặt pháp lý
Trong khi phần mô tả của bản mô tả sáng chế cần giải thích một cách chi tiết cách thức thực hiện hoặc sử dụng sáng chế thì phạm vi (yêu cầu) bảo hộ lại là phần có mục đích xác định phạm vi bảo hộ về mặt pháp lý. Một trong những quy tắc để soạn thảo phạm vi bảo hộ là ngắn gọn và sử dụng ít từ ngữ nhất có thể. Vì vậy, một phạm vi bảo hộ thường có vài điểm yêu cầu bảo hộ.
Tuy nhiên, một số phạm vi bảo hộ cũng có thể có nhiều điểm, trong trường hợp này thì phạm vi bảo hộ đó sẽ được xác định một cách hẹp nhất có thể. Đồng nghĩa với việc sáng chế này nếu được cấp văn bằng sẽ ít bị xâm phạm hơn. Vì rằng, một khi sáng chế có yêu cầu bảo hộ hẹp, các đối thủ có thể sáng chế ra những sản phẩm, quy trình xoay quanh nó và dễ thâm nhập vào thị trường với các tính năng kỹ thuật khác nhau. Trong khi đó phạm vi bảo hộ có ít điểm thì ngược lại.
Thực tế để có thể trình bày được một bản mô tả sáng chế phù hợp, người thực hiện cần có kiến thức và kinh nghiệm dày dặn. Bản mô tả sáng chế được coi là một trong những tài liệu quan trọng nhất của đơn đăng ký sáng chế, bên cạnh nội dung chuyên ngành, vấn đề thể hiện rõ phạm vi yêu cầu bảo hộ của sáng chế cũng cần được chú ý.