Nhãn hiệu và thương hiệu là hai thuật ngữ thường dùng nhưng cũng dễ gây nhầm lẫn. Hiện nay, rất nhiều cá nhân/ tổ chức vẫn chưa hiểu rõ đây là hai khái niệm phân biệt mà nhầm tưởng chúng là một và đều nhằm chỉ đối tượng nhãn hiệu. Cùng đánh giá sự khác biệt giữa chúng qua bài viết dưới đây khi phân tích dưới góc độ khái niệm bản chất, quá trình sử dụng cũng như vấn đề đăng ký bảo hộ theo pháp luật hiện hành nhé!
1. Khái niệm nhãn hiệu và thương hiệu
Nhãn hiệu và thương hiệu là hai thuật ngữ rất thường gặp trong giao tiếp hằng ngày. Đôi khi, việc sử dụng nhiều có thể dẫn đến lạm dụng và nhầm tưởng rằng hai thuật ngữ này là một. Để phân biệt hai thuật ngữ này, đầu tiên bạn nên hiểu rõ khái niệm và mục đích sử dụng của nhãn hiệu và thương hiệu.
1.1. Khái niệm nhãn hiệu
Nhãn hiệu (Trademark) là thuật ngữ pháp lý được Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức khác nhau”. Mỗi doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ cho một hoặc nhiều nhãn hiệu tuỳ thuộc vào từng chủng loại hàng hoá, khu vực hay nhu cầu cụ thể, miễn là chúng đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ theo luật định.

Nhãn hiệu Trung Nguyên
Nhãn hiệu được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam cần là dấu hiệu hữu hình như chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, màu sắc hoặc sự kết hợp giữa chúng nhằm phân biệt sản phẩm hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau. Nói cách khác, mỗi một nhãn hiệu thường gắn liền với một sản phẩm/ dịch vụ nhất định, phát huy vai trò là dấu hiệu phân biệt chúng với các mặt hàng tương ứng của người khác.
1.2. Khái niệm thương hiệu
Thương hiệu (Brand) được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) định nghĩa là dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá/ dịch vụ nào đó được sản xuất/ cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức nào đó.
Tại Việt Nam, thương hiệu không là thuật ngữ luật hóa, có thể hiểu là tất cả những gì có thể tạo nên liên tưởng về mặt cảm xúc hay còn gọi là dấu ấn về sự tin cậy của khách hàng đối với thương hiệu đó. Đây là sợi dây liên kết giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (khách hàng), trong đó thương hiệu là hình ảnh, danh tiếng của doanh nghiệp được khách hàng kiểm định và ghi nhận.

Thương hiệu là những gì người tiêu dùng cảm nhận về doanh nghiệp
2. Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu
Để có thể phân biệt nhãn hiệu với thương hiệu và đánh giá sự khác nhau giữa chúng, chúng ta có thể đi vào phân tích một số yếu tố dưới đây.
2.1. Về bản chất
Thương hiệu có thể là tất cả các yếu tố như uy tín, chất lượng dịch vụ, cách thức phục vụ, chăm sóc khách hàng,... - là hình ảnh doanh nghiệp được người tiêu dùng cảm giác hay nhận thấy. Ở một góc độ nào đó, nó còn bao gồm cả các đối tượng sở hữu trí tuệ khác như quyền tác giả, nhãn hiệu, độc quyền kiểu dáng công nghiệp,.... Đó cũng là lý do mà thương hiệu thường bị nhầm lẫn với nhãn hiệu và đôi khi là được sử dụng như để chỉ đối tượng sở hữu công nghiệp - nhãn hiệu.
Tuy vậy, cần hiểu rõ rằng thương hiệu có phạm vi rộng hơn rất nhiều so với nhãn hiệu, là tất cả các dấu hiệu hữu hình và vô hình làm nên sự tin cậy trong lòng người tiêu dùng. Một doanh nghiệp có thể cố gắng xây dựng một thương hiệu rất lâu, nhưng có thể có rất nhiều các nhãn hiệu khác nhau. Ví dụ như Honda - đây là một thương hiệu có tiếng và được người dân Việt Nam ủng hộ, có khá nhiều các nhãn hiệu cho các dòng xe như SH, Air Black, PCX,...
2.2. Về quá trình sử dụng
Thương hiệu là kết quả quá trình xây dựng hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp trong suốt quá trình kinh doanh, do người tiêu dùng cảm nhận và đánh giá. Tuy không là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam nhưng thương hiệu mang lại giá trị sử dụng lâu dài cho doanh nghiệp, có thể lên đến mấy trăm năm dù đã có sự thay đổi về sản phẩm, dịch vụ, thậm chí là chủ sở hữu.

Thương hiệu có thể tồn tại lâu dài dù có sự thay đổi nhãn hiệu hay sản phẩm
Trong khi đó, nhãn hiệu là đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ khi thực hiện thủ tục đăng ký và đáp ứng các điều kiện bảo hộ luật định. Hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm. Cá nhân, tổ chức có thể đăng ký bảo hộ một hoặc nhiều nhãn hiệu. “Tuổi thọ” của nhãn hiệu thường có mối liên hệ với sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nhất định. Khi sản phẩm đó không còn được đón nhận trên thị trường, nhãn hiệu gắn liền với sản phẩm đó cũng có thể biến mất.
2.3. Về vấn đề đăng ký bảo hộ tại Việt Nam
Nhãn hiệu là thuật ngữ được luật hoá, là đối tượng đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, thương hiệu không là thuật ngữ luật hoá, bao gồm nhiều khía cạnh để tạo nên uy tín, dấu ấn trong lòng người tiêu dùng của doanh nghiệp đó. Đồng thời, thương hiệu không là đối tượng bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ, việc bảo hộ thương hiệu được thực hiện phức tạp hơn và đòi hỏi nhiều biện pháp tổng hợp.
Nhãn hiệu và thương hiệu là hai thuật ngữ gần gũi và được sử dụng thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, đời sống hàng ngày. Tuy vậy, thương hiệu có phạm vi ý nghĩa rộng hơn, thậm chí bao gồm cả nhãn hiệu. Do đó, việc hiểu rõ và phân biệt chúng giúp cá nhân/ doanh nghiệp có cách nhìn khách quan, chính xác nhất, từ đó có định hướng xây dựng và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.