Giám định nhãn hiệu là dịch vụ công được thực hiện bởi Tổ chức giám định được cấp phép thành lập khi đáp ứng các điều kiện nhất định. Nội dung giám định nhằm đánh giá và đưa ra kết luận cho các vấn đề liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhãn hiệu nói riêng. Đây sẽ là cơ sở hỗ trợ quan trọng để bạn có thể thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu của mình.
1. Giám định nhãn hiệu là gì?
Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về khái niệm hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ. Theo đó, đây là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá và đưa ra kết luận cho những vấn đề liên quan đến việc xác định có hay không việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với nhãn hiệu là đối tượng sở hữu trí tuệ thường được yêu cầu giám định nhất hiện nay.

Có hay không hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu?
Giám định nhãn hiệu thường bao gồm các nội dung như:
- Xác định rõ phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu;
- Xác định đối tượng được yêu cầu có hay không yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu;
- Xác định đối tượng giám định và nhãn hiệu được bảo hộ có hay không sự trùng, tương tự gây nhầm lẫn?
- Xác định về giá trị quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc định giá về giá trị thiệt hại (nếu có).
Hiện nay, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - tổ chức khoa sự nghiệp và khoa học công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và công nghệ là tổ chức có nhiệm vụ giám định sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng. Theo đó, Viện thông qua các công cụ, thông tin, chương trình nhất định sẽ tiếp nhận và tiến hành giám định theo yêu cầu hoặc trưng cầu.
2. Hồ sơ yêu cầu giám định nhãn hiệu cần chuẩn bị những gì?
Hồ sơ yêu cầu giám định nhãn hiệu cần thể hiện rõ các nội dung như đối tượng giám định, đối tượng đối chứng cùng các tài liệu minh chứng hỗ trợ cho công tác giám định của Viện. Thông thường, một bộ hồ sơ yêu cầu giám định sẽ bao gồm:
- Tờ khai yêu cầu giám định/ Quyết định trưng cầu giám định có thể hiện rõ về yêu cầu giám định;
- Hợp đồng dịch vụ giám định nhãn hiệu giữa người yêu cầu với tổ chức giám định/ giám định viên.
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (hay văn bằng bảo hộ) của nhãn hiệu liên quan;
- Tài liệu đối chứng như mô tả, ảnh chụp, tài liệu quảng cáo, vật phẩm, hàng hóa, bao bì,... có chứa nhãn hiệu;
- Tài liệu chứng minh hành vi nghi ngờ có yếu tố xâm phạm như mẫu vật, ảnh chụp,... chứa dấu hiệu vi phạm;
- Giấy ủy quyền (nếu đơn giám định được thông qua Tổ chức đại diện SHCN như Trường Luật);
- Chứng từ nộp phí giám định.

Chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình
Chủ thể quyền hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến quyền sở hữu nhãn hiệu đó có thể tự mình hoặc thông qua đại diện để yêu cầu giám định. Có nghĩa là, bạn không phải là chủ sở hữu nhưng vẫn có thể yêu cầu giám định với một dấu hiệu/ nhãn hiệu nhất định. Trường hợp này phổ biến khi một cá nhân/ tổ chức nhận được khuyến cáo về việc mình đang có hành vi xâm phạm quyền SHCN với nhãn hiệu đã được bảo hộ nào đó. Lúc này, việc yêu cầu giám định nhãn hiệu nhằm chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
3. Giám định nhãn hiệu và một số vấn đề cần lưu ý
Giám định sở hữu trí tuệ nói chung và giám định nhãn hiệu nói riêng là dịch vụ đóng vai trò vô cùng quan trọng trên thực tiễn xử lý vấn đề có hay không hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu. Do đó, pháp luật Sở hữu trí tuệ cũng có những lưu ý nhất định liên quan đến hoạt động giám định này.
3.1. Người yêu cầu giám định
Chủ sở hữu quyền, hoặc cá nhân, tổ chức bị xử lý về hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc bị khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền sở hữu nhãn hiệu, hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến quyền sở hữu nhãn hiệu đó có thể tự mình hoặc thông qua đại diện để yêu cầu giám định.
Cũng có nghĩa là, bạn không phải là chủ sở hữu nhưng vẫn có thể yêu cầu giám định với một dấu hiệu/ nhãn hiệu nhất định. Lúc này, việc yêu cầu giám định nhãn hiệu nhằm chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
3.2. Thời gian giám định
Thời gian tiêu chuẩn để xử lý một đơn yêu cầu giám định đối với Nhãn hiệu là 30 ngày (tương ứng với 22 ngày làm việc). Thời gian này có thể ngắn hơn khi người nộp đơn có yêu cầu và đóng phí dịch vụ tương ứng, cụ thể như: 22-25 ngày (tương ứng 16-19 ngày làm việc); 17-21 ngày (13-15 ngày làm việc),..... thậm chí là 5 ngày (tương ứng dưới 4 ngày làm việc).

Thời gian giám định nhãn hiệu tiêu chuẩn là 22 ngày làm việc
3.3. Kết quả của quá trình giám định
Kết quả của quá trình giám định nhãn hiệu là Văn bản kết luận giám định có chữ ký xác nhận của giám định viên. Văn bản này trước đây được sử dụng như nguồn chứng cứ khi xử lý các vụ việc tranh chấp. Tuy vậy, hiện nay thì kết quả giám định này không trực tiếp đưa ra kết luận về việc có hay không hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ việc tranh chấp.
Có thể nói, Văn bản kết luận giám định là tài liệu hỗ trợ rất lớn trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến quyền SHCN đối với nhãn hiệu trên thực tế. Tuy vậy, chúng không trực tiếp đưa ra kết luận cuối cùng về hành vi xâm phạm bởi kết quả này được xem xét dựa trên yêu cầu và tài liệu, minh chứng được cung cấp bởi người yêu cầu giám định. Việc pháp luật quy định như trên cũng nhằm điều chỉnh việc ứng dụng kết quả giám định một cách khéo léo, công bằng, chính xác và hợp lý nhất trên thực tế.
Giám định nhãn hiệu là hoạt động không bắt buộc cần thực hiện khi xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Tuy vậy, đây là công việc vô cùng quan trọng với kết quả là tài liệu hỗ trợ rất nhiều cho việc xác định và xử lý vi phạm trên thực tế. Chủ thể quyền hoặc những người có quyền, lợi ích liên quan có thể tự mình hoặc thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp như Trường Luật để nộp đơn yêu cầu giám định nhãn hiệu.