Thông thường, người sáng tạo ra kiểu dáng công nghiệp đồng thời là chủ sở hữu KDCN, tuy vậy cũng có nhiều trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu của KDCN. Việc này phát sinh các quan hệ pháp luật giữa các chủ thể tác giả - chủ sở hữu - KDCN. Theo đó, chúng ta có thể tiếp cận quyền đối với KDCN thông qua hai khía cạnh là quyền của tác giả KDCN và quyền sở hữu công nghiệp đối với KDCN đó.
1. Căn cứ xác lập quyền đối với kiểu dáng công nghiệp
Quyền sở hữu công nghiệp đối với KDCN là quyền của chủ sở hữu KDCN đó, được xác lập trên cơ sở quyết định của Cục sở hữu trí tuệ thông qua việc cấp Bằng độc quyền theo thủ tục đăng ký KDCN mà Luật Sở hữu trí tuệ quy định hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đăng ký bảo hộ để được xác lập quyền sở hữu đối với KDCN
2. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp
Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp hay chủ sở hữu KDCN là tổ chức, cá nhân được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho KDCN đó (hay còn gọi là Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp).
Thông thường, người tạo ra kiểu dáng hay còn gọi là tác giả sẽ là chủ sở hữu của KDCN đó. Tuy vậy, một số trường hợp người tạo ra kiểu dáng là người làm công theo hợp đồng lao động, nhận được sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, tiền bạc,... thì doanh nghiệp chủ quản là chủ sở hữu của KDCN đó. Lúc này, người tạo ra KDCN vẫn là tác giả và hưởng một số quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
Trường hợp Bằng độc quyền KDCN được cấp cho nhiều cá nhân/ tổ chức đồng thời là chủ sở hữu của KDCN thì quyền sở hữu công nghiệp thuộc quyền sở hữu chung của tất cả cá nhân/ tổ chức đó. Lúc này, vấn đề thực hiện quyền sở hữu chung được phân chia theo quy định của pháp luật dân sự, cụ thể là Bộ luật dân sự 2015.
Ngoài ra, chủ sở hữu cũng có thể là cá nhân, tổ chức nhận được chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với KDCN từ chủ sở hữu hợp pháp trước đó. Theo đó, quá trình chuyển giao cần được thực hiện trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng đáp ứng các điều kiện cơ bản của luật dân sự và luật sở hữu trí tuệ có liên quan.
3. Quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp
Quyền sở hữu công nghiệp có thể chia thành hai nội dung chính là quyền tài sản và quyền sử dụng đối với KDCN. Theo đó, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có các quyền tài sản như:
- Quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng KDCN;
- Quyền ngăn cấm người khác sử dụng KDCN;
- Quyền định đoạt KDCN;
Một số quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp được pháp luật công nhận và bảo hộ như:
- Quyền sản xuất sản phẩm có hình dáng bên ngoài là KDCN được bảo hộ;
- Quyền lưu thông (bao gồm cả việc bán, trưng bày để bán và vận chuyển hàng hóa), quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông các sản phẩm nêu trên;
- Quyền nhập khẩu các sản phẩm nêu trên.

Có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng sản phẩm
Tuy vậy, pháp luật cũng có những quy định về việc chủ sở hữu KDCN không được quyền ngăn cấm người khác thực hiện một số hành vi đối với KDCN của mình như:
- Ngăn cấm người khác sử dụng KDCN nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc mục đích đánh giá/ nghiên cứu hoặc mục đích thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm.
- Ngăn cấm người khác lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp.
- Ngăn cấm người khác sử dụng KDCN nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam.
4. Quyền của tác giả kiểu dáng công nghiệp
Tác giả của kiểu dáng là người thiết kế, lên ý tưởng và trực tiếp tạo nên giá trị của kiểu dáng công nghiệp. Do đó, dù không là chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp, tác giả KDCN vẫn được pháp luật công nhận và bảo hộ một số quyền đối với KDCN như:
- Quyền được ghi tên là tác giả KDCN trong Văn bằng bảo hộ;
- Quyền được nêu tên là tác giả của KDCN trong các tài liệu công bố, giới thiệu về KDCN;
- Quyền được nhận thù lao.
5. Ý nghĩa việc pháp luật công nhận và bảo vệ quyền đối với kiểu dáng công nghiệp
Có thể thấy rằng, khi thị trường liên tục cho ra mắt các sản phẩm cùng chất lượng và tương đương nhau về giá thành thì hình dáng bên ngoài sản phẩm tác động rất lớn đến lựa chọn của người tiêu dùng. Rõ ràng nhất như thị trường điện thoại thông minh hiện nay, khi các sản phẩm có cấu hình và giá thành tương đương nhau ồ ạt ra mắt thì hình thức đẹp sẽ là yếu tố thu hút người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm đó mà không phải là chiếc điện thoại khác.

Hình thức đẹp là tiêu chí quan trọng để khách hàng lựa chọn sản phẩm
Lại nói, không phải dễ dàng để một cá nhân/ tổ chức có thể tạo ra một kiểu dáng đẹp và ấn tượng. Chúng cần rất nhiều sự đầu tư cả về công sức, thời gian, tiền bạc,... để tạo ra sản phẩm có chất lượng cùng hình dáng ấn tượng. Theo đó, sự đầu tư này mang lại sức mạnh cạnh tranh, giá trị kinh tế và thu hút người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm.
Rõ ràng, nhận thấy giá trị mà KDCN đó mang lại, sẽ có người khác bắt chước bằng cách mô phỏng theo nhằm thu lợi nhuận mà không mất quá nhiều công sức đầu tư. Đây được xem là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra tổn thất rất lớn cho chủ sở hữu. Vì vậy, việc pháp luật Việt Nam và các quốc gia trên thế giới ghi nhận và bảo hộ quyền đối với KDCN mang lại nhiều ý nghĩa hơn bao giờ hết. Chúng vừa bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu với tài sản sở hữu trí tuệ của mình, vừa là yêu cầu cấp thiết để xây dựng nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp (KDCN) là quyền của chủ sở hữu được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo hộ trên cơ sở chủ sở hữu nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp với Cục Sở hữu trí tuệ. Trong đó, chủ sở hữu có thể là tác giả, doanh nghiệp chủ quản hoặc người khác nếu được chuyển nhượng quyền sở hữu.