Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của một sản phẩm thể hiện qua các yếu tố có thể thấy được như hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của chúng. Đây là yếu tố quyết định rất lớn đến vấn đề định giá sản phẩm cũng như mang lại giá trị kinh tế cao cho chủ sở hữu. Đồng thời, kiểu dáng công nghiệp cũng là đối tượng được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo hộ.
1. Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp (KDCN) được Luật Sở hữu trí tuệ giải thích là hình dáng bên ngoài của một sản phẩm nhất định như dụng cụ, đồ vật, thiết bị, phương tiện. Ngoài ra, sản phẩm đó còn có thể là các chi tiết, bộ phận dùng để lắp ráp hợp thành sản phẩm, chúng có chức năng và kết cấu rõ ràng, có thể lưu thông một cách độc lập, và được sản xuất bằng phương pháp thủ công hoặc công nghiệp.

Kiểu dáng công nghiệp có thể là hình dáng bên ngoài hộp đựng sản phẩm
KDCN được thể hiện qua hình khối, đường nét, màu sắc hoặc tổng thể sự kết hợp của các yếu tố này với nhau. Chúng bộc lộ được sự mới mẻ, thẩm mỹ và sáng tạo, khiến sản phẩm này mang tính độc lập và phân biệt so với các sản phẩm tương tự cùng loại.
KDCN là đối tượng sở hữu công nghiệp hiện được pháp luật bảo hộ. Tất nhiên, không phải tất cả KDCN đều được bảo hộ trên thực tế mà chúng cần đáp ứng các điều kiện nhất định do pháp luật quy định. Những điều kiện bảo hộ cơ bản bao gồm: tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghệ đối với KDCN này.
2. Đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là gì?
Không phải tất cả hình dáng bên ngoài của sản phẩm khi được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc kết hợp các yếu tố này với nhau đều được pháp luật bảo hộ. Bởi lẽ, các KDCN này cần đáp ứng các điều kiện nhất định được pháp luật quy định. Theo đó, dưới đây là một số đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp được pháp luật quy định.
2.1. Hình dáng bên ngoài do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có
Do yêu cầu của đặc tính kỹ thuật nên hình dáng bên ngoài sản phẩm không bộc lộ được sự sáng tạo của người tạo ra nó. Bởi vậy, nó không đáp ứng được các điều kiện cơ bản cũng như bản chất mà một KDCN cần có.
2.2. Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp
Mỗi kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ cần đáp ứng được điều kiện “khả năng áp dụng công nghệ” đối với KDCN này. Thực tế thì các công trình dân dụng hoặc công nghiệp không có khả năng sản xuất hàng loạt bằng phương pháp áp dụng công nghệ. Và vì vậy, chúng không đáp ứng được điều kiện để được bảo hộ dưới danh nghĩa KDCN.

Công trình xây dựng dân dụng không là đối tượng bảo hộ KDCN
Tuy vậy, nếu công trình xây dựng đó có thể áp dụng công nghệ và sản xuất hàng loạt như nhà nổi, nhà container,.... và đáp ứng các điều kiện khác thì chúng vẫn có thể được cân nhắc bảo hộ KDCN. Mặt khác, với công trình xây dựng mang tính sáng tạo, đặc sắc khác, để được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể cân nhắc bảo hộ với đối tượng sở hữu công nghiệp là sáng chế.
2.3. Hình dáng sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm
Bản chất KDCN là “hình dáng bên ngoài” của sản phẩm có khả năng nhìn thấy được. Đây cũng là yếu tố giúp người tiêu dùng lựa chọn, đánh giá và phân biệt sản phẩm của bạn và của đối thủ cạnh tranh. Do đó, yêu cầu về việc thấy rõ trong quá trình sử dụng là yếu tố cơ bản để một KDCN được bảo hộ.
3. Giá trị mà kiểu dáng công nghiệp mang lại?
Bên cạnh giá cả, chất lượng và thương hiệu, hình dáng bên ngoài của một sản phẩm có thể xem là một tiêu chí quyết định trong vấn đề thu hút thị hiếu từ người tiêu dùng. Đặc biệt, khi mà chất lượng cuộc sống của chúng ta ngày càng tăng thì việc đòi hỏi cao hơn về chất lượng cùng tính thẩm mỹ cũng được nâng cao. Một sản phẩm được ưa chuộng cần tốt trong, đẹp ngoài, vừa sang trọng mà chất lượng, đồng thời thể hiện được đẳng cấp của người sử dụng.

Hình dáng bên ngoài sản phẩm là tiêu chí quan trọng thu hút thị hiếu
Nhu cầu càng cao, sự cạnh tranh càng lớn, và KDCN cũng vậy. Việc một nhà thiết kế dùng hết tâm huyết thiết kế ra một kiểu dáng sang trọng, bắt mắt cho sản phẩm của mình không hề dễ dàng. Dưới góc độ vĩ mô, làm thế nào để thúc đẩy quá trình sáng tạo này chính là chìa khóa thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển.
Nhằm bảo vệ kết quả lao động trí tuệ cùng thúc đẩy kinh tế cạnh tranh lành mạnh, pháp luật sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế đã xem xét KDCN như một đối tượng cần được bảo hộ. Chúng vừa là động lực vừa là cơ chế tự vệ giúp chủ sở hữu chủ động bảo vệ được tài sản sở hữu trí tuệ của mình.
4. Làm thế nào để được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?
Kiểu dáng công nghiệp cần được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Cục Sở hữu trí tuệ để được bảo hộ. Hồ sơ đăng ký hợp lệ cùng nội dung đáp ứng các điều kiện bảo hộ Luật định thì KDCN sẽ được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Một trong những điều kiện đầu tiên để KDCN được bảo hộ là đảm bảo tính mới của nó. Do đó, chủ sở hữu cần tiến hành nộp đơn đăng ký trước khi sử dụng hoặc công bố, thậm chí ngay cả khi KDCN còn nằm trên bản vẽ thiết kế. Bên cạnh đó còn có các điều kiện khác như: tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghệ, ngày ưu tiên, ...
Cuối cùng, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được cấp sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày nộp đơn. Mỗi kiểu dáng có thể được gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp 02 lần, mỗi lần 5 năm (tổng cộng tối đa 15 năm).
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài sản phẩm, thể hiện qua đường nét, hình khối, màu sắc hay tổng thể kết hợp các yếu tố trên. Chúng là kết quả của quá trình sáng tạo, lao động trí óc của chủ sở hữu, mang lại nhiều giá trị kinh tế và thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển. Cũng vì vậy, kiểu dáng công nghiệp được pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam ghi nhận và bảo hộ như một đối tượng sở hữu công nghiệp khi đáp ứng các điều kiện bảo hộ nhất định.