Gia hạn hiệu lực kiểu dáng công nghiệp là cách gọi tắt của gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Theo đó, mỗi bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật. Khi hiệu lực của văn bằng này hết, chủ sở hữu phải thực hiện thủ tục gia hạn hiệu lực để có thể tiếp tục là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đó!
1. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, mỗi bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (KDCN) có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 5 năm kể từ ngày nộp đơn. Với việc pháp luật cho phép chủ văn bằng có thể gia hạn 2 lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp sẽ có hiệu lực tối đa là 15 năm tính từ ngày chủ sở hữu nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Theo đó, gia hạn hiệu lực KDCN là thủ tục nhằm yêu cầu cơ quan nhà nước tiếp tục bảo hộ KDCN mà chủ sở hữu đã đăng ký. Trường hợp kiểu dáng công nghiệp có nhiều phương án thì bằng độc quyền có thể được gia hạn đối với tất cả hoặc một số phương án, trong đó phải bao gồm phương án cơ bản. Việc gia hạn này được thực hiện bằng cách nộp hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ theo quy trình mà pháp luật đã quy định.

Chủ sở hữu nên cân nhắc và để tâm đến hiệu lực của Bằng độc quyền KDCN
2. Tại sao cần gia hạn hiệu lực kiểu dáng công nghiệp?
Kiểu dáng công nghiệp là yếu tố quan trọng để sản phẩm có sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Chính vì lẽ đó, để có thể chiếm lĩnh thị trường một cách hợp pháp, việc yêu cầu cơ quan nhà nước bảo hộ cho KDCN để tăng cường ưu thế đóng vai trò khá quan trọng. Bởi lẽ, một khi KDCN đó hết hiệu lực được pháp luật bảo hộ thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không còn được độc quyền với KDCN đó nữa. Nếu đây vẫn là sản phẩm chủ đạo thì điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh phát triển của chính doanh nghiệp đó.
Do đó, gia hạn hiệu lực KDCN là thủ tục cần thiết thực hiện khi KDCN đó vẫn còn giá trị sử dụng đối với chủ sở hữu. Ngoài ra, nếu chủ sở hữu không còn nhu cầu sử dụng KDCN nữa thì việc gia hạn và chuyển nhượng hoặc cho phép người khác sử dụng sẽ giúp thu về một khoản tiền đáng kể trên cơ sở khả năng thương mại của kiểu dáng công nghiệp đó.
3. Quy trình gia hạn hiệu lực kiểu dáng công nghiệp
Trong vòng 06 tháng trước và sau khi bằng độc quyền KDCN hết hạn, chủ văn bằng có thể nộp hồ sơ yêu cầu gia hạn hiệu lực KDCN. Đối với trường hợp nộp đơn gia hạn trong thời hạn 06 tháng sau khi văn bằng hết hiệu lực, chủ văn bằng phải nộp thêm phí gia hạn muộn theo quy định của pháp luật.

Pháp luật quy định về thời gian và quy trình gia hạn hiệu lực KDCN
3.1. Hồ sơ gia hạn hiệu lực kiểu dáng công nghiệp
Hồ sơ gia hạn hiệu lực KDCN bao gồm những giấy tờ sau:
- Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ;
- Bản gốc văn bằng bảo hộ (trường hợp yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào văn bằng bảo hộ);
- Giấy ủy quyền (trường hợp gia hạn thông qua Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ như Trường Luật);
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí.
3.2. Nộp và xử lý hồ sơ gia hạn hiệu lực kiểu dáng công nghiệp
Chủ văn bằng có thể tiến hành nộp hồ sơ qua con đường trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc gián tiếp thông qua đường bưu điện. Thông thường, hồ sơ sau khi tiếp nhận sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định trong thời gian 01 tháng:
- Trường hợp hồ sơ gia hạn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ghi nhận việc gia hạn hiệu lực văn bằng đồng thời đơn vị phụ trách sẽ công bố việc gia hạn thành công trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Nếu chủ sở hữu yêu cầu ghi nhận nội dung gia hạn vào văn bằng bảo hộ thì Cục Sở hữu sẽ ghi nhận và trả lại văn bằng cho chủ sở hữu.
- Trường hợp hồ sơ gia hạn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo từ chối gia hạn hiệu lực KDCN cùng với lý do từ chối. Chủ văn bằng có thể có ý kiến phản hồi hoặc sửa đổi bổ sung theo yêu cầu trong vòng 01 tháng kể từ ngày ra thông báo. Dựa trên phản hồi đó, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ quyết định cuối cùng về việc chấp nhận gia hạn hiệu lực kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu hay không.

Chủ sở hữu có thể cân nhắc việc ủy quyền gia hạn hiệu lực KDCN
4. Một số khó khăn thường gặp khi gia hạn hiệu lực kiểu dáng công nghiệp
Về cơ bản, thủ tục gia hạn hiệu lực KDCN không quá phức tạp, tuy nhiên khi tự mình thực hiện, chủ sở hữu có thể gặp phải không ít vướng mắc như:
- Không chọn đúng mẫu tờ khai gia hạn hiệu lực kiểu dáng công nghiệp;
- Không gia hạn kịp trong khoảng thời gian 6 tháng trước khi hết hạn;
- Hồ sơ gia hạn hiệu lực kiểu dáng công nghiệp bị sai sót về thông tin;
- Không phản hồi hoặc sửa chữa kịp thời hạn những sai sót mà Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo v.v…
Những vướng mắc thông thường này dẫn đến quá trình gia hạn hiệu lực KDCN bị chậm trễ thậm chí không gia hạn được. Do đó, việc tự mình gia hạn hiệu lực kiểu dáng công nghiệp phần lớn không có hiệu quả cao. Chính vì thế, chủ văn bằng có thể cân nhắc đến việc lựa chọn các bên đại diện chuyên thực hiện gia hạn hiệu lực KDCN để đảm bảo được kết quả như mong muốn.
Gia hạn hiệu lực KDCN là việc quan trọng khi KDCN của chủ sở hữu gần hết thời hạn bảo hộ. Tuy nhiên, thực tế vẫn có rất nhiều trường hợp chủ sở hữu bỏ lỡ cơ hội gia hạn Bằng độc quyền KDCN do không để ý vấn đề hiệu lực của văn bằng. Vì vậy, cá nhân hoặc tổ chức sở hữu KDCN nên chú ý nhiều hơn đến việc gia hạn hiệu lực KDCN này để chủ động bảo vệ quyền lợi của mình nhé.