Sau khi tạo ra một kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm, điều cần thiết phải làm để được pháp luật bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp đó là thực hiện thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Thông qua đó, chủ sở hữu được pháp luật công nhận và bảo vệ các quyền mà người khác không có được. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn các bạn về những trình tự thủ tục để đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
1. Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là gì?
Đăng ký kiểu dáng công nghiệp (KDCN) là thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Cục Sở hữu trí tuệ theo một trình tự nhất định nhằm xác lập quyền đối với KDCN đó. Khi đáp ứng các điều kiện bảo hộ luật định, chủ sở hữu sẽ được pháp luật bảo vệ các quyền đối với KDCN như quyền sở hữu, ngăn chặn chủ thể khác sử dụng KDCN của mình,.... Từ đó, cho bạn một hành lang pháp lý để chủ động bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của mình.
Hiện nay, pháp luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cho phép các chủ thể sau có quyền đăng ký KDCN với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể:
- Tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của mình;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định pháp luật.

Xác lập quyền đối với KDCN là bước đi chiếm ưu thế cho chủ sở hữu
Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký. Khi đó, việc đăng ký chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý. Việc này nhằm đối trọng lợi ích của các chủ thể có quyền đăng ký theo luật định, tránh phát sinh tranh chấp khi Cục Sở hữu trí tuệ xử lý đơn đăng ký KDCN nêu trên.
2. Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp là cơ sở để Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và đánh giá xem KDCN đăng ký có đáp ứng điều kiện bảo hộ. Do đó, chủ thể đăng ký cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và chính xác các thông tin theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn về việc chuẩn hồ sơ đăng ký KDCN, bao gồm những giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký KDCN theo mẫu;
- Bộ ảnh chụp, bộ bản vẽ;
- Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp;
- Chứng từ nộp phí;
- Giấy ủy quyền (trong trường hợp nộp đơn thông qua Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp như Trường Luật).
- Tài liệu khác trong một số trường hợp như: Tài liệu xác nhận quyền đăng ký; quyền ưu tiên, thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác; xác nhận cho phép sử dụng dấu hiệu đặc biệt,...

Bộ chụp hoặc bản vẽ là tài liệu bắt buộc khi đăng ký KDCN
Chủ đơn đăng ký KDCN có thể dễ dàng tìm hiểu về các đầu mục hồ sơ trên các phương tiện truyền thông, Internet v.v… Tuy nhiên, bạn cần chắc chắn rằng mình đã tải đúng mẫu tờ khai đang được sử dụng, ban hành kèm theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN. Ngoài ra, khi chuẩn bị nội dung hồ sơ đăng ký KDCN, chủ đơn cũng cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Bộ ảnh chụp, bộ bản vẽ phải tổng quan, thể hiện được rõ ràng, sắc nét và đúng thực tế KDCN mà chủ đơn đăng ký. Đây là yêu cầu cơ bản để thẩm định viên của Cục Sở hữu trí tuệ có thể đưa ra các đánh giá đúng nhất đối với KDCN này.
- Bản mô tả phải ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đảm bảo trình bày được các chi tiết quan trọng của KDCN, thể hiện rõ đặc điểm tạo dáng mang tính phân biệt của KDCN đăng ký so với các sản phẩm khác.
- Phí và chứng từ nộp phí theo quy định.
Thông thường hồ sơ đăng ký KDCN hợp lệ sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, sau khi xem xét và chắc rằng KDCN đã đáp ứng các điều kiện bảo hộ chung, chủ sở hữu sẽ được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Theo đó, các quyền đối với KDCN của chủ sở hữu được pháp luật thừa nhận và bảo hộ cũng được xác lập kể từ thời điểm được cấp bằng.
3. Quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Thời gian để xử lý một đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho đến khi có kết quả cuối cùng thường là 10-15 tháng. Quy trình ấy thường trải qua các các giai đoạn cơ bản như: Chuẩn bị và nộp hồ sơ -> Xử lý hồ sơ -> Kết quả.
Chủ đơn có thể tự mình hoặc thông qua Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp như Trường Luật để nộp đơn đăng ký KDCN. Trước đó, chủ đơn cần chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ và kiểm tra lại lần nữa các nội dung đã điền trước khi tiến hành nộp đơn để xác nhận lại chắc chắn các thông tin được điền là chính xác và đầy đủ nhất. Sau đó, người nộp đơn có thể gửi hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ thông qua hai hình thức sau:
- Nộp trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hà Nội hoặc nộp tại 02 văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng.
- Nộp qua Hệ thống tiếp nhận trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.
3.2. Hồ sơ được xử lý tại Cục Sở hữu trí tuệ
Sau khi đơn đăng ký KDCN được chấp nhận, chuyên viên của Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thẩm định đơn đăng ký cùng hồ sơ kèm theo. Khi đó, đơn đăng ký sẽ được thẩm định về cả nội dung và hình thức theo thứ tư:
- Thẩm định hình thức (1-2 tháng): Đánh giá đơn đăng ký về mặt hình thức, ra thông báo sửa đổi, bổ sung (nếu có) để xác nhận rằng hồ sơ đáp ứng các điều kiện công nhận đơn đăng ký hợp lệ.

Rất nhiều trường hợp đăng ký KDCN bị từ chối do đơn không hợp lệ
- Công bố đơn hợp lệ: Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký hợp lệ, Cục sẽ thông báo thông tin liên quan đến đơn hợp lệ cùng bộ ảnh chụp/ bản vẽ KDCN lên Công báo sở hữu công nghiệp.
- Thẩm định nội dung: Quá trình thẩm định này mất khoảng 8-10 tháng, là thời gian để thẩm định viên đánh giá về các điều kiện bảo hộ đối với KDCN đăng ký. Trường hợp đáp ứng tất cả các điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ và các khoản phí, lệ phí có liên quan.
Ngược lại, trường hợp đơn không đáp ứng, Cục sẽ ra thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ và nêu rõ lý do. Khi đó, chủ đơn đăng ký cần theo dõi thông báo để khắc phục, bổ sung những sai sót mà Cục đã thông báo. Trong thời gian 3 tháng, nếu chủ đơn không khắc phục được những sai sót hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu theo như thông báo thì Cục sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho KDCN đó.
3.3. Kết quả
Cục Sở hữu trí tuệ sau khi xem xét sẽ ra kết quả cuối cùng là Quyết định cấp hoặc từ chối cấp bằng độc quyền KDCN. Trường hợp chủ đơn nhận được Thông báo cấp văn bằng cần tiến hành thủ tục cuối cùng là đóng lệ phí cấp bằng theo đúng số tiền và thời gian Cục thông báo. Cuối cùng, Cục Sở hữu trí tuệ trong thời gian khoảng 1-2 tháng sẽ cấp và gửi Bằng độc quyền KDCN theo thông tin điền trên đơn đăng ký.
Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là thủ tục không quá phức tạp tuy nhiên để quá trình đăng ký KDCN gặp ít sai sót và thuận lợi nhất có thể thì chủ đơn cần tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện. Ngoài ra, chủ đơn có thể ủy quyền cho tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ chuyên về đăng ký KDCN như Trường Luật để hồ sơ và trình tự đăng ký được theo dõi sát sao cũng như đưa ra được phương án giải quyết khi gặp vướng mắc.