Văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp còn được gọi là “Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp” là văn bản được xác lập giữa cơ quan nhà nước và cá nhân/tổ chức đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Văn bản này nhằm ghi nhận và bảo hộ các quyền của chủ sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp đăng ký. Theo đó, các thông tin về quyền và kiểu dáng đều được ghi nhận cụ thể trong nội dung văn bằng.
1. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (BĐQKDCN) là văn bản ghi nhận các thông tin về chủ sở hữu, tác giả, đối tượng, phạm vi và thời gian bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp (KDCN) được đăng ký. BĐQKDCN được cơ quan có thẩm quyền là Cục Sở hữu trí tuệ cấp sau khi chủ đơn hoàn tất thủ tục đăng ký bảo hộ KDCN.

Văn bản ghi nhận các thông tin của kiểu dáng công nghiệp được đăng ký
BĐQKDCN được thể hiện dưới hình thức độc bản và được in trên giấy cứng khổ A4. Thông thường, mỗi văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp được bố trí trên một màu nền chủ đạo của văn bằng, trong đó BĐQKDCN có nền màu tím nhạt và có dòng chữ “Cục Sở hữu trí tuệ” màu trắng chạy chìm. Trên đó, các thông tin pháp lý về chủ sở hữu, tác giả và đối tượng bảo hộ được ghi nhận.
Một BĐQKDCN có thể được cấp cho nhiều KDCN trong các trường hợp như:
(i) Các kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thuộc cùng một bộ sản phẩm, những sản phẩm đồng bộ ấy đều thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;
(ii) Một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó, theo ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đó.
2. Nội dung bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp
Về cơ bản, nội dung BĐQKDCN thể hiện các thông tin mà Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận cho KDCN bao gồm:
- Tên văn bằng và số đăng ký: Ngay dưới tên văn bằng (BĐQKDCN) là số đăng ký hay còn được gọi là số đăng bạ quốc gia nhằm quản lý số lượng văn bằng của Cục Sở hữu trí tuệ. Việc đánh số cho các văn bằng nhằm phân biệt các bằng độc quyền với nhau trong tình hình các đối tượng bảo hộ ngày càng một nhiều. Đồng thời, số hóa văn bằng giúp cho công việc lưu trữ thông tin – tra cứu trên hệ thống điện tử được diễn ra một cách dễ dàng hơn.
- Tên KDCN: Thông tin được văn bằng ghi nhận đầu tiên đó tên đối tượng được bảo hộ. Theo đó, tên KDCN là tên của chính sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp; được ghi nhận theo thông tin mà chủ đơn đã khai trong đơn đăng ký KDCN. Ví dụ: Khuôn tạo hình trái cây, Lọ đựng nước hoa v.v…

Tên KDCN là tên của chính sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp
- Thông tin chủ sở hữu: Thông tin chủ sở hữu văn bằng bao gồm tên và địa chỉ của chủ sở hữu. Chủ sở hữu bằng độc quyền KDCN là người có toàn bộ các quyền mà pháp luật quy định đối với KDCN được bảo hộ. Việc ghi nhận tên chủ sở hữu KDCN trên BĐQKDCN là yếu tố quan trọng có giá trị chứng minh tư cách chủ sở hữu khi xảy ra tranh chấp trên thực tế.
- Tác giả KDCN: Phần “tác giả” trên bằng độc quyền KDCN là tên tác giả sáng tạo ra KDCN được bảo hộ. Thông thường, tác giả và chủ sở hữu văn bằng là cùng một chủ thể. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, tác giả là người được chủ sở hữu thuê hoặc trả công, nhận được sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, tiền bạc,… để sáng tạo nên KDCN thì doanh nghiệp/cá nhân bỏ tiền ra thuê tác giả là chủ sở hữu của KDCN đó.
- Thông tin về đơn đăng ký KDCN: Thông tin về đơn đăng ký được ghi trên bằng độc quyền KDCN bao gồm số đơn, ngày nộp đơn.
Đối với số đơn đăng ký KDCN sẽ bắt đầu bằng số 3 tiếp đến là năm đăng ký và số thứ tự mà Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Tiếp theo dưới thông tin về số đơn là ngày nộp đơn, đây là thông tin để đánh dấu mốc thời gian người nộp đơn thực hiện thủ tục đăng ký KDCN được chuyên viên Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận. Ngày nộp đơn là thời điểm dùng để xác định hiệu lực của BĐQKDCN.
- Thông tin về số phương án/bộ sản phẩm và số ảnh chụp bản vẽ:
Như đã giải thích ở mục 1 của bài viết này, mỗi BĐQKDCN có thể được cấp cho nhiều kiểu dáng hoặc bộ sản phẩm. Do đó, ở phần này Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận thông tin về số lượng KDCN được văn bằng này bảo hộ. Đồng thời, Cục ghi nhận số ảnh chụp, bản vẽ được người nộp đơn đăng ký, cung cấp trong hồ sơ đăng ký KDCN.
- Căn cứ cấp văn bằng bảo hộ: BĐQKDCN được cấp theo Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ. Việc ghi nhận số quyết định trên BĐQKDCN nhằm đảm bảo quy định của Nhà nước về quản lý quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp.
- Hiệu lực của BĐQKDCN: BĐQKDCN có hiệu lực từ ngày cấp cho đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn được ghi nhận ở phần trên và có thể gia hạn 2 lần liên tiếp mỗi lần 5 năm.

BĐQKDCN có hiệu lực từ ngày cấp cho đến hết 5 năm từ ngày nộp đơn
Cũng như các văn bản có giá trị pháp lý khác, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được đóng dấu và ký tên bởi người có thẩm quyền. Mỗi thông tin trên văn bằng này đều có ý nghĩa quan trọng mang tính pháp lý không thể thiếu. Vì vậy, chủ sở hữu, tác giả cần nắm được ý nghĩa của các thông tin trên văn bằng để đối chiếu, phục vụ các mục đích có liên quan.