Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có vai trò và giá trị to lớn trong ngành bán dẫn cũng như ngành thương mại nói chung. Để có thể tạo ra thiết kế bố trí, tác giả và nhà sản xuất cần phải đầu tư rất nhiều trí óc, thời gian của như tài chính, trong khi đó việc sao chép thiết kế bố trí lại được thực hiện một cách dễ dàng. Chính vì thế, pháp luật quy định cơ chế bảo hộ đối với thiết kế bố trí khi đáp ứng những điều kiện nhất định dưới đây.
1. Chủ thể có quyền đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Điều kiện về chủ thể đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi tắt là thiết kế bố trí - TKBT) là điều kiện đầu tiên cần thiết để đơn được xem xét là đơn hợp lệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân thuộc các trường hợp dưới đây có quyền đăng ký bảo hộ TKBT:
- Tác giả sáng tạo ra thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
- Chủ thể đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc (trừ trường hợp có thỏa thuận khác);
- Trường hợp nhiều chủ thể cùng là tác giả hoặc cùng đầu tư tạo ra thiết kế bố trí, tất cả đều là chủ thể có quyền đăng ký và chỉ được đăng ký khi tất cả các thành viên còn lại đồng ý.
- Chính phủ quy định về chủ thể có quyền đăng ký đối với thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước;
- Chủ thể được chuyển giao hoặc thừa kế quyền đăng ký.

Ai là chủ thể có quyền đăng ký TKBT?
2. Điều kiện chung để thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ
Thiết kế bố trí mạch tuy là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp nhưng lại được xây dựng quy tắc bảo hộ khá đặc biệt. Cụ thể, pháp luật quy định các điều kiện bảo hộ TKBT bao gồm: Có tính nguyên gốc và có tính mới thương mại.
2.1. Tính nguyên gốc của thiết kế bố trí
Thiết kế bố trí có tinh nguyên gốc khi đáp ứng hai yếu tố, cụ thể:
- Thứ nhất, là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;
- Thứ hai, chưa được những người sáng tạo TKBT và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra TKBT đó.
Khi thiết kế bố trí là sự kết hợp của các phần tử, các mối liên kết thông thường thì chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc theo quy định. Nói cách khác, khi thiết kế bố trí được tạo từ nhiều sự kết hợp phần tử thì mỗi sự kết hợp đó đều phải có tính nguyên gốc (có tính sáng tạo và chưa được biết đến rộng rãi).
Tính nguyên gốc được coi là điều kiện tiên quyết để xem xét một TKBT có được bảo hộ hay không. Có thể hiểu, TKBT có tính nguyên gốc là những TKBT không phải là sự sao chép từ những TKBT khác mà được sáng tạo độc lập. Đồng thời, TKBT chưa được những người sáng tạo hay những nhà sản xuất khác biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tác giả tạo ra TKBT đó. Nói cách khác, TKBT đó chưa trở thành nguồn thông tin công khai cho các nhà sáng tạo TKBT hoặc nhà sản xuất mạch tích hợp.
2.2. Tính mới thương mại của thiết kế bố trí
Nếu như tính nguyên gốc của TKBT được coi là điều kiện cần thì tính mới thương mại của TKBT lại được xem như điều kiện đủ để TKBT được bảo hộ. Tính mới thương mại được xác định bằng các yêu cầu về khai thác thương mại, cụ thể:
- Thứ nhất, TKBT chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký. Việc khai thác nhằm mục đích thương mại ở đây được hiểu là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo TKBT hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó.

TKBT chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới
- Thứ hai, TKBT không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký TKBT được nộp trong thời hạn hai năm kể từ ngày TKBT đó đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
3. Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí
Thông thường, TKBT khi đáp ứng điều kiện về (i) tính nguyên gốc và (ii) tính mới thương mại sẽ được pháp luật bảo hộ với danh nghĩa một đối tượng sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, không phải bất kỳ đối tượng nào cũng được bảo hộ với danh nghĩa TKBT, mà trừ một số đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa TKBT như sau:
- Một là, những nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn;

Không phải bất kỳ đối tượng nào cũng được bảo hộ TKBT
- Hai là, thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.
Việc quy định những đối tượng này không được bảo hộ dưới danh nghĩa TKBT phù hợp cách xác định và định nghĩa ban đầu về TKBT. Cụ thể, TKBT phải thể hiện được sự sáng tạo trong chính cách sắp xếp, bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Đồng thời, đây cũng là một quy định tương thích với pháp luật về bảo hộ TKBT của các nước trên thế giới.
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là đối tượng sở hữu công nghiệp mang lại nhiều giá trí sáng tạo và thương mại, phục vụ sự phát triển của kinh tế xã hội. Trước tình hình tài sản trí tuệ bị sao chép nhiều như hiện nay, chủ sở hữu cần lưu ý về điều kiện bảo hộ và chủ động đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí để chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ do mình đầu tư và sáng tạo ra.