Giống cây trồng cần là giống cây được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc danh mục cây trồng được Nhà nước bảo hộ mới được cân nhắc, xem xét bảo hộ như một đối tượng Sở hữu trí tuệ. Theo đó, chủ sở hữu cần nộp đơn đăng ký và giống cây trồng đó cần đáp ứng các điều kiện chung khác như có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp để được công nhận và cấp Bằng độc quyền Giống cây trồng.
1. Có tính mới
Đầu tiên, chủ sở hữu cần hiểu rõ rằng đối tượng quyền đối với Giống cây trồng bao gồm 2 nhóm là: Vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch . Trong đó, vật liệu nhân giống là cây hoặc bộ phận của cây có khả năng phát triển thành một cây mới dùng để nhân giống hoặc để gieo trồng. Vật liệu thu hoạch là cây hoặc bộ phận của cây thu được từ việc gieo trồng vật liệu nhân giống.

Đối tượng quyền bao gồm vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch
Theo đó, giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch (từ vật liệu thu hoạch) chưa được người có quyền đăng ký bảo hộ hoặc người được phép của người đó nộp đơn đăng ký trước 01 năm (trong lãnh thổ Việt Nam) hoặc 6 năm (ngoài lãnh thổ Việt Nam đối với giống cây thân gỗ và cây nho) hoặc 4 năm (ngoài lãnh thổ Việt Nam với giống cây trồng khác).
Như vậy, tương tự các đối tượng sở hữu khác, tính mới của giống cây trồng được xác định dựa trên việc tra cứu và so sánh “điểm mới” với các giống cây trồng đã được đăng ký trước đó (cả tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới).
Một điểm đặc biệt khác của giống cây trồng xuất phát từ đối tượng sở hữu trí tuệ này không hẳn là sự sáng tạo do tác giả hoặc chủ sở hữu tạo ra mà đôi khi là sự “phát hiện và phát triển” nó từ tự nhiên. Do đó, việc có một hay nhiều người đã tạo ra nó, phát hiện và đăng ký bảo hộ trước đó là hoàn toàn phù hợp mà không đi ngược lại quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu lúc này. Tất nhiên là cần loại trừ việc cạnh tranh không lành mạnh như sao chép, ăn cắp ý tưởng, kết quả phát triển của tác giả/ chủ sở hữu và tiến hành đăng ký trước.
2. Có tính khác biệt
Tương tự đánh giá tính mới, tính khác biệt của giống cây trồng cũng dựa trên sự tra cứu và so sánh với các giống cây trồng khác. Theo đó, giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng đã được biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu được hưởng quyền ưu tiên).
Theo đó, một giống cây được xem là biết đến rộng rãi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào;
- Đã được bảo hộ hoặc đưa vào danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào;
3. Có tính đồng nhất
Giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.

Tính đồng nhất là khi có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan
Nói cách khác, tính thống nhất thể hiện ở chỗ, khi nhân giống hàng loạt thì các biểu hiện ra bên ngoài như màu sắc, hương, năng suất,... (gọi là tính trạng liên quan) của chúng mang lại kết quả đồng nhất như trên mô tả, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép.
4. Có tính ổn định
Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan vẫn giữ được biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống và sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ. Khác với tính thống nhất, tính ổn định thể hiện qua chiều dài thời gian sử dụng, buộc các biểu hiện ra bên ngoài của giống cây (gọi là tính trạng liên quan) đem lại kết quả ổn định, nghĩa là không sai lệch quá nhiều với bản mô tả ban đầu.
Có thể nói, tính ổn định và tính thống nhất là bộ đôi yêu cầu để giống cây trồng đạt đến một “chất lượng” nhất định để mang lại hiệu quả cũng như đáp ứng mục đích bảo hộ đối tượng đặc biệt này - giống cây trồng.
5. Có tên phù hợp
Tên là một trong những nội dung quan trọng cần có trong mỗi hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Tên gọi này dù mang tính “đề xuất” với cơ quan quản lý nhà nước nhưng cũng cần đáp ứng các điều kiện nhất định mà pháp luật quy định.

Tên gọi cần đáp ứng các điều kiện nhất định mà pháp luật quy định
- Thứ nhất, tên gọi đó phải trùng với tên đã đăng ký trước đó trong trường hợp giống cây trồng này đã được đăng ký bảo hộ tại một quốc gia khác có ký kết với Việt Nam về thỏa thuận bảo hộ giống cây trồng.
- Thứ hai, tên gọi phải có khả năng dễ dàng phân biệt với tên gọi của giống cây trồng khác trong cùng một loại hoặc loại tương tự đã được biết đến một cách rộng rãi.
- Thứ ba, tên gọi được ghi trong bằng bảo hộ phải được sử dụng khi chào bán hoặc đưa ra thị trường, ngay cả khi hết thời hạn bảo hộ.
- Thứ tư, tên gọi giống cây trồng được kết hợp với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc các chỉ dẫn tương tự với tên giống cây trồng đã được đăng ký thì khi đưa ra thị trường cũng cần có khả năng phân biệt một cách dễ dàng.
- Thứ năm, không rơi vào các trường hợp tên gọi không được coi là phù hợp theo luật định như:
+ Chỉ gồm số (trừ trường hợp các chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành của giống đó);
+ Vi phạm đạo đức xã hội;
+ Dễ gây hiểu nhầm về danh tính tác giả hoặc đặc trưng, đặc tính của giống đó;
+ Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ;
+ Ảnh hưởng đến quyền đã có trước của cá nhân, tổ chức khác.
Tựu chung, giống cây trồng cần đáp ứng các điều kiện cơ bản pháp luật quy định xoay quanh đối tượng giống cây thuộc danh mục theo luật định; là giống cây mới và có khả năng phân biệtt với các giống cây trồng đã có trước đó; những tính trạng của chúng được thể hiện một cách đồng nhất và ổn định theo bản mô tả ban đầu. Cuối cùng là có một tên gọi phù hợp với nhu cầu sử dụng và mục đích phân biệt, quản lý của nhà nước.