- Trường Luật là Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo Quyết định số 369/QĐ-SHTT ngày 31/05/2007 của Cục Sở hữu trí tuệ.
- Trường Luật là Tổ chức tư vấn và dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo Văn bản số 22/BQTG-BQ ngày 05/02/2007 của Cục Bản quyền tác giả.
- Trường Luật là Tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo Thông báo số 57/TB-TT-VPBH ngày 15/01/2015 của Cục Trồng trọt.

 

Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang đến nhiều ý nghĩa quan trọng như góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển các lợi thế riêng của từng khu vực, địa phương và xúc tiến hoạt động xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tuy nhiên, một đối tượng để được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý phải đáp ứng một số điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật.

1. Các điều kiện chung

Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được hiểu là “dấu hiệu” dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Theo đó, pháp luật đặt ra yêu cầu về một số điều mà dấu hiệu đó cần phải đáp ứng để được bảo hộ dưới danh nghĩa CDĐL như sau:

- Một là, điều kiện về nguồn gốc địa lý . Theo đó, sản phẩm mang CDĐL phải có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với CDĐL đó. Đây được xem là điều kiện cốt yếu và quan trọng khi xem xét khả năng bảo hộ CDĐL của một sản phẩm. Ví dụ: Sản phẩm quả bưởi mang chỉ dẫn địa lý “Tân Triều” có nguồn gốc từ ấp Tân Triều thuộc xã Tân Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.

Sản phẩm mang CDĐL phải có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương

Cần lưu ý là, khu vực địa lý mang CDĐL có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ. Trong đó, bản đồ khu vực địa lý tương ứng với CDĐL phải thể hiện đầy đủ thông tin tới mức có thể xác định chính xác vùng địa lý hội đủ các điều kiện tự nhiên tạo nên tính chất/chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm.

- Hai là, điều kiện về danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính . Sản phẩm mang CDĐL phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với CDĐL đó quyết định. Nghĩa là, sản phẩm đó nếu ở trong điều kiện địa lý khác sẽ không có được danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính như vậy.

Với, điều kiện địa lý liên quan đến CDĐL là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang CDĐL đó. Trong đó:

+ Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.

+ Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.

2. Đối tượng không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Mặc dù có thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được bảo hộ như đã phân tích, nhưng các đối tượng thuộc những trường hợp sau đây vẫn không được bảo hộ với danh nghĩa CDĐL:

- Một là, tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam;

- Hai là, CDĐL của nước ngoài mà tại nước đó CDĐL không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;

CDĐL của nước ngoài mà tại nước đó CDĐL không được bảo hộ

- Ba là, CDĐL trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng CDĐL đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa;

Cần lưu ý rằng trong trường hợp này, nếu việc sử dụng CDĐL đó không có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa thì vẫn có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa CDĐL.

- Bốn là, CDĐL gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang CDĐL đó. Cụ thể, trường hợp này là khi CDĐL bị trùng hoặc tương tự tới mức không thể phân biệt với một dấu hiệu đang được người tiêu dùng Việt Nam biết đến với danh nghĩa là chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ.

3. Chủ thể có quyền đăng ký CDĐL

Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền đăng ký CDĐL của Việt Nam. Tuy nhiên, Nhà nước là một chủ thể trừu tượng, bao gồm sự kết hợp của nhiều cơ quan, bộ máy khác nhau để tồn tại và phát triển. Do đó, Nhà nước trao quyền đăng ký CDĐL này cho các cá nhân, tổ chức khác thực hiện, bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang CDĐL;

- Tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó;

- Cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có CDĐL.

Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền đăng ký CDĐL của Việt Nam

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể quyền đối với CDĐL theo quy định pháp luật của nước xuất xứ có quyền đăng ký CDĐL đó tại Việt Nam.

Cần khẳng định rằng người thực hiện quyền đăng ký CDĐL trên thực tế không được nhiên là chủ sở hữu CDĐL đó mà chủ sở hữu CDĐL của Việt Nam theo quy định chỉ có thể là Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ trao quyền sử dụng CDĐL cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang CDĐL tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường.

Quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập thông qua việc cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Với tầm quan trọng đối với giá trị hàng hóa cũng như nền kinh tế của quốc gia, pháp luật Việt Nam đã xây dựng các quy định cụ thể về điều kiện bảo hộ cũng như các trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý nhằm bảo vệ và phát huy tối đa công dụng của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ này.

Add: Số 51-53 Trần Não, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Tel: 0902 000050 - 0904 000050  - 0906 000050 - 0908 000050  Email: info@truongluat.vn 
Working: 8h - 17h mỗi ngày (trừ Thứ Bảy, Chủ nhật, các ngày nghỉ lễ)