- Trường Luật là Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo Quyết định số 369/QĐ-SHTT ngày 31/05/2007 của Cục Sở hữu trí tuệ.
- Trường Luật là Tổ chức tư vấn và dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo Văn bản số 22/BQTG-BQ ngày 05/02/2007 của Cục Bản quyền tác giả.
- Trường Luật là Tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo Thông báo số 57/TB-TT-VPBH ngày 15/01/2015 của Cục Trồng trọt.

 

Bí mật kinh doanh là tài sản vô hình nhưng mang lại giá trị lớn cho cá nhân/ tổ chức sở hữu nó. Để có được những thông tin này, chủ sở hữu đòi hỏi cần có sự đầu tư về thời gian, trí óc và tiền bạc. Tuy vậy, một thông tin để được pháp luật công nhận và bảo hộ cần đáp ứng các điều kiện nhất định. Những điều kiện này sẽ được giới thiệu và phân tích cụ thể qua nội dung bài viết dưới đây.

1. Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh là gì?

Bí mật kinh doanh (BMKD) là tài sản sở trí tuệ mang lại nhiều giá trị kinh tế cho người nắm giữ nó. Tuy là đối tượng không cần thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước nhưng thông tin để được bảo hộ với danh nghĩa “Bí mật kinh doanh” cũng cần đáp ứng các điều kiện nhất định. Đặc biệt, các điều kiện này rất quan trọng để chủ sở hữu chứng minh khi có tranh chấp thực tế phát sinh.

Nói một cách đơn giản, điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh là những yêu cầu được pháp luật đặt ra, buộc các chủ thể cần thực hiện để được bảo hộ thông tin kinh doanh mình có dưới dạng BMKD.

Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh là những yêu cầu được pháp luật đặt ra

2. Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh được bảo hộ cơ bản cần đáp ứng các điều kiện chung được pháp luật Sở hữu trí tuệ quy định dưới đây.

2.1. Tính sáng tạo

Thông tin được bảo hộ BMKD không phải là hiểu biết thông thường và dễ dàng có được. Cụ thể:

- BMKD không phải là hiểu biết thông thường mà là thông tin có giá trị ứng dụng trong hoạt động kinh doanh thương mại, mang đến cho những người có khả năng tiếp cận nó những nhận thức, sự hiểu biết nhất định về một sự vật, một hiện tượng nào đó trong thế giới khách quan;

- BMKD phải là những thông tin không dễ dàng có được. Nó đòi hỏi chủ thể phải có sự đầu tư thích đáng về vật chất, thời gian công sức, trí tuệ và những trải nghiệm mới có được. Do vậy, những thông tin đơn lẻ không hàm chứa một lượng tri thức nhất định hoặc những tri thức phổ biến đối với những người có trình độ trung bình trong lĩnh vực đó sẽ không đáp ứng điều kiện thứ nhất này khi muốn bảo hộ BMKD.

2.2. Có giá trị thương mại

Điều kiện về giá trị thương mại thể hiện ở chỗ, BMKD mang lại cho người nắm giữ lợi thế kinh doanh so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng BMKD đó. Giá trị thương mại đó có thể thu được từ hai hình thức dưới đây:

- Doanh nghiệp thu được giá trị kinh tế khi ứng dụng BMKD vào công việc kinh doanh của mình. Cụ thể là thông tin bí mật này giúp cho quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm và dịch vụ đạt chất lượng tốt hơn, giá thành tốt hơn và thu hút thị hiếu hơn,... Từ đó, giúp doanh nghiệp có những ưu thế cạnh tranh hơn so với các chủ thể kinh doanh cùng loại khác.

- Doanh nghiệp thu được lợi ích từ chính “giá trị” BMKD mang lại, cụ thể là các khoản tiền mà các đối tượng khác chi ra để có được BMKD một cách hợp pháp. Ví dụ như: Chuyển giao quyền sử dụng BMKD, đầu tư tài chính, nhân lực,...

BMKD mang lại cho người nắm giữ lợi thế kinh doanh

2.3. Tính bảo mật

Tính bảo mật thể hiện ở chỗ BMKD được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để các thông tin này không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được. Các biện pháp hạn chế này có thể được chia thành 02 nhóm dưới đây:

- Các biện pháp hạn chế việc tiếp cận hoặc biết đến BMKD, ví dụ như hạn chế đối tượng nhân viên biết về bí mật kinh doanh. Việc áp dụng các biện pháp này nhằm hạn chế những người thường xuyên làm việc (có khả năng tiếp cận) không biết hoặc không dễ dàng biết được toàn bộ thông tin BMKD đó.

- Các biện pháp ngăn chặn việc bộc lộ thông tin BMKD khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu. Các biện pháp này đặc biệt được doanh nghiệp chú ý đối với người lao động - đối tượng có khả năng tiếp cận với BMKD trong quá trình làm việc.

2.4. Không thuộc đối tượng không được bảo hộ do luật định

Không phải thông tin nào cũng được xem xét và bảo hộ với tên gọi “Bí mật kinh doanh”, dưới đây là một số đối tượng không được bảo hộ theo luật định:

- Bí mật về nhân thân;

- Bí mật về quản lý nhà nước;

- Bí mật về quốc phòng, an ninh;

- Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

Không phải thông tin nào cũng được bảo hộ với tên gọi “Bí mật kinh doanh”

Lý do chính để chúng không được bảo hộ bí mật kinh doanh là vì các thông tin cá nhân, thông tin liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước, an ninh quốc gia không liên quan đến hoạt động kinh doanh. Do đó, không là đối tượng được bảo hộ “Bí mật kinh doanh” mà được bảo vệ bằng quy định pháp luật khác, ví dụ như quy định về Quyền về bí mật đời tư , Luật bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ luật hình sự,...

Bí mật kinh doanh là đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ tự động mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Tuy vậy, thông tin để được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh cần không thuộc đối tượng không được bảo hộ do luật định và đáp ứng các điều kiện như: (i) Không là hiểu biết thông thường và dễ dàng có được; (ii) mang lại lợi thế kinh doanh cho người nắm giữ; (iii) được áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ bí mật kinh doanh không bị bộc lộ.

Add: Số 51-53 Trần Não, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Tel: 0902 000050 - 0904 000050  - 0906 000050 - 0908 000050  Email: info@truongluat.vn 
Working: 8h - 17h mỗi ngày (trừ Thứ Bảy, Chủ nhật, các ngày nghỉ lễ)