Chỉ dẫn địa lý là một đối tượng sở hữu công nghiệp rất đặc biệt khi chủ sở hữu luôn luôn là Nhà nước, mà không bao giờ là các cá nhân, tổ chức khác. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân khác vẫn có thể sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Vậy, chỉ dẫn địa lý thực chất là gì?
1. Chỉ dẫn địa lý là gì?
Chỉ dẫn địa lý được hiểu đơn giản là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có chất lượng và những đặc tính riêng của vùng đất nơi sản phẩm đó được sản xuất, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố về địa lý của vùng đất đó.
Ví dụ : Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc, nho Ninh Thuận, cam Vinh …

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có chất lượng và những đặc tính riêng
2. Chủ thể có quyền nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý?
Cần lưu ý rằng, quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chỉ thuộc về Nhà nước . Chính vì bản chất của chỉ dẫn địa lý thể hiện đậm tính chủ quyền khi có sự gắn bó mật thiết đến nguồn gốc, khu vực, địa phương, quốc gia nên chủ sở hữu cũng như chủ thể có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý chỉ có thể là Nhà nước, đại diện cho toàn bộ người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, nhà nước có quyền cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Chủ thể thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể là Ủy ban nhân dân (UBND), Sở Khoa học và Công nghệ ( Sở KH&CN), các Hiệp hội… Dẫu vậy, cần lưu ý rằng chủ thể thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
Ví dụ:
- Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Mê Thuột do UBND tỉnh Đắk Lắk đăng ký.
- Chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết do Sở KH&CN tỉnh Sơn La đăng ký.
- Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc do Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc đăng ký.

Chủ thể thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể là Ủy ban nhân dân
3. Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể có gì khác biệt?
Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể đều là các đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng có những điểm khác biệt nhất định như sau:
Về đối tượng áp dụng:
- Chỉ dẫn địa lý chỉ áp dụng đối với đối tượng là hàng hóa (sản phẩm), không thể áp dụng đối với các loại dịch vụ.
- Nhãn hiệu tập thể có thể áp dụng đối với cả hai đối tượng là hàng hóa và dịch vụ.
Về mục đích sử dụng:
- Chỉ dẫn địa lý có mục đích là chỉ đến sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
- Nhãn hiệu tập thể có mục đích là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Về chủ sở hữu:- Chỉ dẫn địa lý chỉ có một chủ sở hữu duy nhất là Nhà nước.
- Nhãn hiệu tập thể có chủ sở hữu là tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp.
+ Đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ thì tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ.
+ Đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký của tổ chức tập thể phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Về thời gian bảo hộ:
- Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ vô thời hạn kể từ ngày cấp giấy chứng nhận . Việc bảo hộ chỉ chấm dứt khi các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó.
- Nhãn hiệu tập thể được bảo hộ trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký. Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể có thể nộp đơn gia hạn bảo hộ nhãn hiệu nhiều lần liên tiếp, mỗi lần gia hạn là 10 năm.

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ vô thời hạn kể từ ngày cấp giấy chứng nhận
4. Ý nghĩa bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Xuất phát từ việc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là đặc sản của một địa phương, vùng đất bởi danh tiếng riêng và đặc trưng vốn có nên bảo hộ chỉ dẫn địa lý có những ý nghĩa nhất định như sau:
- Giúp quảng bá sản phẩm, đem lại nhiều giá trị về kinh tế cho người dân, tổ chức nơi sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
- Tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Từ đó giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh tình trạng mua sản phẩm giả mạo với chất lượng không tốt.
- Tạo động lực góp phần cải thiện nền nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa.
- Thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, làm nổi bật nét đặc sắc của địa phương đó trong mắt người tiêu dùng ở các quốc gia khác trên thế giới.
- Quan trọng hơn cả, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý tạo ra khung pháp lý vững chắc để xử lý các vi phạm sở hữu trí tuệ.
Chỉ dẫn địa lý là các dấu hiệu chỉ đến các sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực địa lý nhất định với chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý chỉ có thể là Nhà nước. Tuy nhiên, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý hướng đến thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, mang lại những lợi thế nhất định cho các tổ chức, cá nhân sản xuất ở các khu vực này.