Từ lâu, “bí quyết” trong chế biến, sản xuất đã là vấn đề được người thương nhân chú trọng bảo vệ. Chúng được ví như giá trị cốt lõi để làm nên một mùi vị đặc trưng, một món ăn gia truyền, một sản phẩm tay nghề khéo léo,.... Ngày nay, “bí quyết” đó được mở rộng hơn về đối tượng như chiến lược kinh doanh, quy trình quản lý,... được doanh nghiệp chú ý và được pháp luật công nhận bảo hộ như một đối tượng sở hữu công nghiệp - bí mật kinh doanh.
1. Bí mật kinh doanh là gì?
Bí mật kinh doanh (BMKD) là một trong các đối tượng sở hữu trí tuệ được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo hộ, lần đầu được pháp luật quốc tế quy định tại Hiệp định TRIPS. Chúng được hiểu là những thông tin có tính chất bảo mật, không được biết đến công khai, có giá trị thương mại vì tính chất bảo mật đó. Đồng thời, chúng được chủ sở hữu kiểm soát bằng các biện pháp giữ bí mật một cách hợp lý.
BMKD là những thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Nó có thể là bất kì thông tin hữu ích nào mang lại những lợi thế kinh doanh cho doanh nghiệp nắm giữ nó. Để có được thông tin đó, chủ sở hữu đã phải đầu tư rất nhiều về trí lực và tài sản, liên tục cải tiến chúng qua thời gian.

Bí mật kinh doanh là những thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ
Bí mật kinh doanh có thể là những thông tin liên quan đến công thức pha chế, mẫu hàng, thiết bị hoặc tập hợp các thông tin khác nhau được doanh nghiệp sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định như: Thông tin kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chiến lược kinh doanh, phần mềm dùng cho hoạt động kinh doanh, quy trình quản lý, phương pháp lưu trữ tài liệu,...
Ví dụ: Công thức pha chế tạo nên vị đặc trưng của Coca Cola mang tên “Merchandise 7X” được Mark Pendergrast chia sẻ rằng công thức này vẫn được lưu giữ trong hầm một ngân hàng; dù ở thời nào đi nữa luôn chỉ có hai người được biết về công thức pha chế này.
2. Chủ sở hữu bí mật kinh doanh
Chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể là cá nhân/ tổ chức có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật BMKD đó. Ví dụ như chủ thể đầu tư trí tuệ, thời gian, tài chính phương tiện, kỹ thuật.
Cũng cần lưu ý, người làm thuê, người thực hiện nhiệm vụ được giao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hay hợp đồng có khả năng tiếp cận hoặc biết được thông tin BMKD đó. Tuy vậy, trừ trường hợp có thoả thuận khác, chủ sở hữu vẫn thuộc về bên thuê hoặc bên giao việc.
3. Căn cứ xác lập quyền sở hữu bí mật kinh doanh
Bí mật kinh doanh là đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được xác lập theo nguyên tắc tự động mà không cần thực hiện bất kỳ thủ tục đăng ký nào với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở chủ sở hữu có được BMKD một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật BMKD đó.

BMKD là đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được xác lập theo nguyên tắc tự động
Mặt khác, quy định này cũng nhằm bảo vệ tính “bí mật” - yếu tố làm nên giá trị thương mại, mang lại lợi thế cho chủ sở hữu nó so với các đối thủ cạnh tranh khác. Do đó, dù là đối tượng Sở hữu công nghiệp nhưng BMKD không phải thực hiện thủ tục đăng ký như các đối tượng khác là nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế.
Căn cứ này cũng cho phép nhiều cá nhân, tổ chức có thể được bảo hộ “độc lập" cho cùng một bí mật kinh doanh. Miễn là các thông tin thương mại này được phát triển một cách độc lập, đáp ứng các điều kiện bảo hộ chung, không được công chúng biết đến rộng rãi và đều được chủ sở hữu thực hiện các biện pháp giữ bí mật.
Tất nhiên, để một thông tin được bảo hộ BMKD dù không cần đăng ký nhưng cũng cần đáp ứng các điều kiện nhất định do pháp luật Sở hữu trí tuệ quy định như (1) tính sáng tạo; (2) giá trị thương mại (3) tính bảo mật. Đồng thời, khi xảy ra các vấn đề tranh chấp, chủ sở hữu cần đưa ra các chứng cứ để chứng minh mình là chủ sở hữu của BMKD đó, và chứng minh được việc BMKD đã thỏa các điều kiện để bảo hộ BMKD theo pháp luật hiện hành.
4. Bảo hộ quyền sở hữu bí mật kinh doanh
Bí mật kinh doanh được công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đáp ứng các điều kiện nhất định do pháp luật quy định. Cụ thể, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu BMKD được cơ bản áp dụng như sau:
- Thời hạn bảo hộ: Bí mật kinh doanh được bảo hộ vô thời hạn ngay sau khi BMKD được thể hiện dưới dạng vật chất xác định, đáp ứng các điều kiện luật định - có nghĩa là khi nào thông tin đó vẫn đáp ứng các điều kiện luật định thì vẫn tiếp tục được công nhận và bảo hộ.

Bí mật kinh doanh được bảo hộ vô thời hạn
- Nội dung quyền sở hữu Bí mật kinh doanh như: quyền sở hữu, quyền sử dụng (ứng dụng trong sản xuất, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hoá và bán, quảng cáo, xuất nhập khẩu các mặt hàng này); quyền tự mình hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền chống lại các hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh như chống lại các biện pháp bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập thông tin BMKD; tiết lộ thông tin BMKD mà chưa có sự cho phép của chủ sở hữu,...
Bí mật kinh doanh là đối tượng sở hữu trí tuệ đặc biệt, thể hiện ở tính “bí mật” và những lợi ích do tính bí mật này mang lại cho chủ sở hữu. Quyền sở hữu bí mật kinh doanh được xác lập khi chủ sở hữu có được thông tin bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo mật bí mật kinh doanh đó.