Các tác phẩm được sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học v.v… đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người. Để tạo ra các tác phẩm chất lượng, tác giả cần dành nhiều sự đầu tư về óc sáng tạo, tính thẩm mỹ, thời gian thậm chí là tiền bạc. Do đó, tác giả sáng tạo/ chủ sở hữu các tác phẩm đó được pháp luật bảo hộ và trao cho các quyền của tác giả đối với tác phẩm.
1. Quyền tác giả đối với tác phẩm là gì?
Quyền tác giả hay tác quyền là bản quyền (độc quyền) của một tác giả cho tác phẩm mà họ tạo ra. Quyền tác giả được dùng để bảo vệ các sáng tạo tinh thần (còn được gọi là tác phẩm), ví dụ như các bài viết về khoa học hay văn học, sáng tác nhạc, ghi âm, tranh vẽ, hình chụp, phim và các chương trình truyền thanh.
Nói một cách ngắn gọn, quyền tác giả là phạm vi những quyền mà pháp luật thừa nhận và bảo hộ đối với tác giả có tác phẩm. Quyền tác giả được nhìn nhận và hiểu theo nhiều phương diện khác nhau. Ở Việt Nam, quyền tác giả được xem xét theo các phương diện sau:
- Về phương diện chủ quan: Quyền tác giả là phạm vi các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm mà họ tạo ra hoặc được sở hữu.

Người sáng tạo ra tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm đó
- Về phương diện khách quan: Quyền tác giả là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ việc tạo ra và sử dụng tác phẩm, qua đó xác nhận các quyền và nghĩa vụ cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và quy định trình tự, phương thức bảo vệ các quyền đó.
- Về phương diện quan hệ pháp luật: Quyền tác giả còn được hiểu là quan hệ pháp luật dân sự, là quan hệ xã hội giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với các chủ thể khác trong xã hội thông qua tác phẩm.
2. Nội dung quyền tác giả đối với tác phẩm
Quyền tác giả được chia thành hai nhóm: nhóm quyền nhân thân và nhóm quyền tài sản, trong đó nhóm quyền nhân thân, trừ quyền công bố tác phẩm, có thời hạn bảo hộ là vô thời hạn, ngược lại thì nhóm quyền tài sản lại có thời hạn bảo hộ nhất định, có thể là 50 năm, 75 năm, 100 năm hoặc thời hạn khác tùy thuộc vào từng loại hình tác phẩm.
2.1. Quyền nhân thân
Nhóm quyền nhân thân gồm có bốn quyền:
- Quyền đặt tên cho tác phẩm;
- Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền nhân thân là quyền chỉ riêng tác giả có mà không thể chuyển giao cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào. Quyền nhân thân của tác giả phát sinh ngay khi tác phẩm được hoàn thành do chính sự đầu tư về trí tuệ, công sức của tác giả. Quyền này gắn với tác giả suốt đời ngay cả khi tác giả đã chết, ví dụ như tác giả sẽ được ghi tên vào văn bằng bảo hộ quyền tác giả.

Tổ chức triển lãm tranh
2.2. Quyền tài sản
Nhóm quyền tài sản thường là quyền khai thác, sử dụng tác phẩm, gồm có:
- Quyền làm tác phẩm phái sinh;
- Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
- Quyền sao chép tác phẩm;
- Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
- Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
- Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Quyền tài sản là quyền mà tác giả được hưởng các lợi ích vật chất phát sinh từ tác phẩm mà tác giả tạo ra. Bản chất quyền tài sản của tác giả là sự bù đắp về công lao lao động trí tuệ cũng như thể chất, sự nỗ lực sáng tạo của tác giả để có thể sáng tạo ra tác phẩm. Đồng thời, nhóm quyền này còn giúp cho tác giả chi trả các chi phí về vật chất mà tác giả bỏ ra để nghiên cứu, hình thành nên tác phẩm như trang thiết bị, máy móc v.v…
Khác với quyền nhân thân, chủ sở hữu có thể trao quyền tài sản cho người khác được gọi là chủ sở hữu quyền tác giả (hay chủ sở hữu tác phẩm). Việc chuyển giao này có thể được thực hiện bằng các hình thức khác nhau, khi đó người nhận có thể được thừa hưởng một/ một số hoặc toàn bộ quyền tài sản đối với tác phẩm. Ngoài ra, chủ sở hữu quyền tác giả còn được hưởng một trong những quyền nhân thân của tác giả đó là quyền công bố tác phẩm.
3. Ý nghĩa của quyền tác giả đối với tác phẩm
Việc quy định quyền tác giả trong hệ thống pháp luật hiện nay có ý nghĩa đặc biệt đối với công dân cũng như Nhà nước. Trước hết, đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ các quyền nhân thân, quyền tác sản của tác giả, chủ sở hữu đối với tác phẩm của mình. Từ đó, giúp tác giả, chủ sở hữu và các chủ thể khác liên quan có ý thức trong việc thưởng thức, sử dụng các tác phẩm mang tính sáng tạo.

Động viên hơn nữa sự sáng tạo của các nghệ nhân
Đồng thời, đây cũng là môi trường pháp lý để các cá nhân, tổ chức sáng tạo cũng như tham gia các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, đảm bảo quyền bình đẳng và loại trừ các hành vi không lành mạnh trong xã hội. Thúc đẩy và phát huy hơn nữa tài năng sáng tạo của các tác giả, nâng cao đời sống tinh thần cũng như vật chất của toàn xã hội.
Quyền tác giả được xem là một trong những loại quyền năng quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm nên lưu ý để các nhóm quyền mà tác giả cũng như chủ sở hữu được pháp luật bảo hộ để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho mình trong mọi trường hợp.