Quyền tác giả là một trong những nội dung quan trọng thuộc đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là khi kinh tế - xã hội phát triển, dẫn theo đó là yêu cầu về các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật và khoa học phục vụ đời sống càng được yêu cầu nhiều hơn về chất lượng và sự đầu tư, sáng tạo. Vì vậy, bảo hộ quyền tác giả như là nội dung tất yếu để pháp luật công nhận và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân/ tổ chức tạo ra tác phẩm đó.
1. Pháp luật bảo hộ quyền tác giả như thế nào?
Quyền tác giả được bảo hộ một cách tự động, pháp luật ghi nhận quyền tác giả kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Tác phẩm đó được bảo hộ mà không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Tuy vậy, chủ sở hữu/ tác giả vẫn có thể chủ động đăng ký bản quyền để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền tác giả như thế nào?
Pháp luật Sở hữu trí tuệ hiện ghi nhận và bảo hộ quyền tác giả theo 02 nhóm quyền cơ bản là quyền nhân thân và quyền tài sản. Theo đó, thời hạn bảo hộ quyền tác giả tương ứng từng nhóm quyền này cũng có sự khác nhau, cụ thể:
- Quyền nhân thân (trừ quyền công bố tác phẩm) gắn liền với tác giả và được bảo hộ vô thời hạn.
- Quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm thuộc về chủ sở hữu tác phẩm và có thời hạn bảo hộ tùy theo từng đối tượng:
+ Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm (kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên). Trường hợp các tác phẩm này chưa được công bố trong vòng 25 năm (kể từ khi tác phẩm được định hình) thì thời hạn bảo hộ là 100 năm kể từ khi tác phẩm được định hình.
+ Tác phẩm không thuộc các loại hình nêu trên hoặc tác phẩm khuyết danh khi xuất hiện thông tin tác giả có thời hạn bảo hộ là suốt đời tác giả và 50 năm tiếp theo khi tác giả chết. Trường hợp đồng tác giả, thời hạn 50 năm sẽ áp dụng đối với năm đồng tác giả cuối cùng chết.
2. Điều kiện bảo hộ quyền tác giả
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo đó, tác phẩm đó là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Như vậy, có thể thấy điều kiện bảo hộ quyền tác giả không phức tạp là đi vào đánh giá nội dung như các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, mà đơn giản là công nhận quyền sở hữu của tác giả/ chủ sở hữu với tác phẩm do họ tạo ra.
Theo đó, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được bảo hộ quyền tác giả gồm tổ chức, cá nhân là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ.
Đối với tác phẩm yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, cần (1) thuộc đối tượng tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả; (2) phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Điều kiện bảo hộ bản quyền có sự khác biệt với đối tượng sở hữu công nghiệp
Các loại hình tác phẩm được công nhận và bảo hộ quyền tác giả về cơ bản bao gồm:
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học;
- Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Trong đó, Luật Sở hữu cũng chỉ rõ các đối tượng là tác phẩm không được bảo hộ quyền tác giả, cụ thể:
- Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.
- Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
- Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
3. Đăng ký bảo hộ quyền tác giả
Đăng ký bảo hộ quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn đăng ký cho Cục Bản quyền tác giả để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả.
Cũng cần lưu ý, đây không phải là thủ tục bắt buộc để các đối tượng này được hưởng quyền tác giả. Tuy nhiên, chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả khi có tranh chấp (trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại). Đây cũng là lý do mà việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả được nhiều cá nhân, tổ chức chú trọng thực hiện ngay khi tác phẩm hoàn thành.

Tác giả nên đăng ký bảo hộ quyền tác giả ngay sau khi hoàn thành tác phẩm
Để đăng ký bản quyền tác giả, chủ đơn cần chuẩn bị các hồ sơ dưới đây để nộp đến Cục Bản quyền tác giả, cụ thể:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả;
- Bản sao tác phẩm đăng ký bản quyền;
- Giấy uỷ quyền (nếu nộp thông qua Tổ chức tư vấn và dịch vụ bản quyền như Trường Luật);
- Tài liệu khác như tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, văn bản đồng ý của đồng tác giả, văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu,...
Hồ sơ được gửi đến Cục Bản quyền tác giả sẽ được tiếp nhận và xử lý sau 15 ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác giả/ chủ sở hữu. Trường hợp không hợp lệ, Cục cũng sẽ có thông báo từ chối bằng văn bản.
Bảo hộ quyền tác giả là nội dung quan trọng mà bất kỳ người sáng tạo nào cũng cần lưu ý để bảo vệ quyền lợi cho mình. Đăng ký bảo hộ quyền tác giả dù không là thủ tục bắt buộc nhưng Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ giúp loại trừ được nghĩa vụ chứng minh khi tranh chấp xảy ra - việc rất khó thực hiện trên thực tế.